Liệu CEO có biết quan điểm quản trị, phong cách lãnh đạo của mình trong quá trình tái tạo thời hậu cô vy?

Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn cách ly xã hội của chính phủ. Số lượng người dính cô vy mấy ngày gần đây (theo như báo chí nêu) có giảm nên dân ta dường như chủ quan cho dù chúng ta có những ca đột ngột xuất hiện, mất dấu F0 . Lác đác ngoài đường bắt đầu nhóm tụ 3, có người ra ngoài tập thể dục thay vì ở trong nhà. Mong rằng nhà nước ta sẽ tiếp tục có những giải pháp tốt như hiện tại để Dịch bệnh không hoành hành VÀ Kinh tế phát triển. Tôi thích chữ VÀ mặc dù nó có vẻ hơi tham.

Nhân lúc ở nhà theo lệnh của chính phủ, lướt “Phây”, tôi thấy anh chị em đọc, khoe sách nhiều hơn. Điều này thực đáng mừng. Nhờ đó mà tôi cũng mót được thêm chút tri thức. Nhìn họ, tôi lại nhớ đến một vài điều trong môn Hành vi tổ chức (Nghiên cứu các hoạt động/ hành vi tại tổ chức/doanh nghiệp) mà tôi đã từng được học trong chương trình MBA về Quản trị Nhân lực. Giáo trình có phần đầu nói về hành vi theo góc độ tâm lý học: Hành vi của con người bị điều khiển bởi tâm lý (suy nghĩ bên trong). Tâm lý được cấu tạo bởi:
- Tính cách
- Thái độ
- Nhận thức

Nhận thức chính là các tri thức, kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy theo thời gian. Thể hiện ra ngoài của nhận thức là hành vi với các quan điểm. Tôi hay nói đùa, nhận thức càng cao thì quan điểm càng “ba phải” (tức là nghe cái gì cũng thấy đúng ở góc cạnh nào đó).

Miên man một chút, giờ chúng ta quay lại với chủ đề:Tái tạo tổ chức. Trong bài trước, tôi dừng lại ở vòng tròn thứ 4 với từ khóa “chiến lược hậu covy” trong bức tranh Doanh nghiệp bài bản lớn. Ở vòng tròn này, chúng ta còn phải biết đến 2 từ khóa nữa “Quan điểm quản trị”, “Phong cách lãnh đạo”. Một tổ chức nên có các Quan điểm quản trị rõ ràng và phong cách lãnh đạo phù hợp với bối cảnh.

1. Quan điểm quản trị là: Cách nhìn, cách suy nghĩ, ý kiến, điểm xuất phát quy định hướng suy nghĩ, cách xem xét, đánh giá về một sự vật, sự việc nào đó trong Quản trị tổ chức. Quản trị tổ chức bao gồm Quản trị Điều hành, Quản trị Kinh doanh – Marketing, Quản trị Sản xuất – Dịch vụ, Quản trị Tài chính – Kế toán, Quản trị Hành chính – Nhân sự.

Việc xác định rõ các quan điểm quản trị không hề dễ. Đôi khi chúng ta còn bị nhầm giữa Triết lý với Quan điểm. Tôi thường phân biệt một cách đơn giản: Quan điểm là cái gì đó (được viết ra) dài dòng và có thể thay đổi. Còn Triết lý là cái gì đó ngắn gọn và không bao giờ được thay thế hay chỉnh sửa. Ví dụ về 1 quan điểm tổ chức (của chúng tôi):

Quan điểm về Tết: “Tết là một sự kiện đặc biệt để tất cả chúng ta có cơ hội được quây quần bên gia đình, hướng về tổ tiên, thư giãn và xả stresss.. Tết là sự kiện của gia đình. Trong khi đó công ty là nơi chúng ta cùng chung sức để xây dựng, phát triển, chăm sóc, phụng sự, duy trì cộng đồng (quản trị tri thức cho cộng đồng) chứ không phải là nơi chúng ta quây quần, hướng về tổ tiên, thư giãn và xả stress. Vì thế rất mong anh chị em hãy để không khí Tết ở ngoài tổ chức. Khi đến công ty, chúng ta tập trung cho công việc, ra khỏi công ty chúng ta tập trung cho gia đình. Tránh bị lẫn lộn giữa công ty và gia đình.
Rất mong cả nhà hiểu!
Sẽ có người hỏi: "Ồ tôi dùng 1/3 cuộc đời mình cho tổ chức. Nếu tổ chức không phải gia đình, không phải nơi thư giãn và xả stresss thì hóa ra tôi đang lãng phí từng đó cuộc đời à?". Đúng vậy, nếu bạn coi tổ chức là nơi như vậy thì bạn đang lãng phí và nơi đây không phù hợp với bạn. Tổ chức này cần những con người có thể tự chủ, có lòng trắc ẩn và thái độ nhiệt tình để như đã nói ở trên :Quản trị tri thức cho cộng đồng. Nếu bạn muốn phụng sự cộng đồng hãy đến đây còn nếu bạn muốn nghỉ ngơi, hãy về nhà
”.

Quay lại với phần đầu bài, hành vi của con người bị điều khiển bởi nhận thức. Nếu chúng ta rõ ràng các quan điểm quản trị thì nhận thức của nhân viên sẽ có hành vi phù hợp với quan điểm. Thật tuyệt khi mọi thứ đều rõ ràng quan điểm.

2. Phong cách lãnh đạo: Phong cách lãnh đạo là cách thức làm việc, quản lý đặc trưng của nhà lãnh đạo. Quan điểm QT và phong cách lãnh đạo thường có cái gì đó “na ná” như nhau. Tuy nhiên giữa chúng có chút khác biệt. Quan điểm có thể tạm hiểu là cái gì đó cứng (được viết ra) còn Phong cách là cái gì khác, mềm mại hơn (khó viết ra).

Phong cách lãnh đạo thường gắn với CEO – người đứng đầu tổ chức và các Quản lý cấp trung. Nó tác động lớn đến hệ thống Quản trị cùng với đó là hành vi của con người trong tổ chức. Tôi có may mắn là được tiếp xúc với kha khá tổ chức mà ở đó có các phong cách lãnh đạo khác nhau. Có tổ chức phong cách lãnh đạo của CEO là dân chủ, có tổ chức thì phong cách lại là độc đoán. Nếu tìm hiểu kỹ các nghiên cứu về lãnh đạo và theo lời khuyên của các nhà nghiên cứu thì phong cách lãnh đạo nên phù hợp với bối cảnh. Đừng nên dùng 1 phong cách cho tất cả các tình huống lãnh đạo. Ví dụ:

Xin hỏi mọi người: Nếu 1 tổ chức có:
- Quan hệ giữa CEO và nhân viên thân tình
- Ai cũng biết việc để làm
- CEO có quyền lực vị trí cao nhất
Thì CEO nên lãnh đạo tổ chức theo phong cách nào: độc đoán hay dân chủ?
Nếu chưa biết, vui lòng tìm hiểu Fiedler với thuyết lãnh đạo theo bối cảnh tình huống.

Chốt lại: Nếu muốn tái tạo lại Doanh nghiệp một cách bài bản để đỡ “đau đầu” và “cất cánh” thời covy, CEO sau khi tạo ra “hạt giống” hoặc “bộ gen” (3(2(1))) hãy tiếp tục xây vòng tròn thứ 4 với: “chiến lược”, “quan điểm quản trị”, “phong cách lãnh đạo”
1. Tính cách/ Core compentencies
2. Triết lý tổ chức
3. Hoài bão, tầm nhìn, sứ mệnh. giá trị cạnh tranh lõi

Hẹn gặp anh chị ở bài sau. Khi có chiến lược, quan điểm, phong cách lãnh đạo thì các công cụ trong Hệ thống Quản trị sẽ xuất hiện để phục vụ cho chúng.

Nguyễn Hùng Cường | kinhcan24
HRM consultant | HRM blogger at blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *