Cô vy ơi! Em đừng than vãn, kể khổ như kiểu ban ơn nữa được không?

Bắt đầu từ đợt dịch Cô vy, tôi đọc ngày càng nhiều những bài than vãn, kể khổ rồi cả đưa ra lời khuyên cho các CEO, DN về sự ảnh hưởng của dịch bệnh và cách thoát khỏi nó. Đọc các bài, tôi thấy na ná nhau. Cho đến tối qua thì đọc được bài của 1 nữ CEO tương tự nhưng có thêm dòng: “tôi không thể để họ chết đói (nhân viên) hoặc đi vào bế tắc cùng cực”. Đọc đến dòng này, tôi thấy bản thân có chút khó chịu. Cứ như kiểu nhân viên họ nợ mấy ổng mấy bà chủ doanh nghiệp. Họ có phải là con cái của ông bà đâu? Họ là đối tác của ông bà cơ mà? Tại sao lại phải viết ra những điều đó với hàm ý nhắc nhở nhân viên rằng cần phải biết ơn?

Sẽ có người nói rằng đây là điều bình thường, chỉ là trăn trở của họ thôi. Đồng ý, mọi thứ sẽ là bình thường khi họ không có dòng chữ trên. Hoặc họ là chính trị gia với những ước muốn đặt ra ngoài bản thân. Còn đây, chúng ta là CEO và chủ doanh nghiệp, việc của chúng ta là làm sao giúp cho doanh nghiệp phát triển, mang về lợi nhuận cho cổ đông, thu nhập cho người lao động. Đừng nghĩ việc khác ngoài việc này hỡi các CEO. Hãy xây dựng cho tổ chức mình tư duy làm việc chuyên nghiệp và win – win (cùng chiến thắng).

Tư duy cùng chiến thắng đó là: Tôi bỏ vốn làm ăn. Khi có vốn và lãi, tôi thực hiện hoài bão của mình. Tôi mời anh em về làm cùng với mức thu nhập như thoả thuận. Lời tôi ăn, lỗ tôi chịu. Lỗ quá thì tôi đóng cửa đi làm thuê. Lúc đó tôi phá sản, anh mất thu nhập. Anh sẽ không bị sao còn tôi bị âm vốn. Nếu liều thì tôi mắc nợ. Anh em không phải chịu gì hay biết ơn gì với tôi cả. Chúng ta sòng phẳng. Nếu anh em muốn chia lãi? Ok bỏ vốn vào đây rồi chúng ta cùng: lời ăn lỗ chịu. Đừng chơi theo kiểu "lời đòi chia lãi, lỗ kể khổ đòi lại vốn". Chúng ta tư duy win – win.

Từ tư duy win – win, không ai mắc nợ ai đó lúc này chúng ta mới xây ra được hệ thống Quản trị Nhân sự giải quyết được kha khá bài toán về con người. Tôi cũng biết có công ty CEO tuyên bố sẽ chia 50% lợi nhuận dư ra. Ví dụ đặt mục tiêu lợi nhuận 5 tỷ nếu trên 5 tỷ thì phần thừa chia đôi. Lúc này CEO hi vọng sẽ có thể tạo động lực cho anh chị em phấn đấu. Nhưng thực tế sẽ thành vấn đề sau:
- Vấn đề 1: Anh đừng có điêu. Em không tin. Ai mà biết được anh có xào nấu chi phí gì không mà đòi chia?
- Vấn đề 2: Ok em đồng ý. Công ty sẽ cần phải báo cáo cho em về lợi nhuận để em biết. Nếu có điều chỉnh gì thì anh phải báo cho em biết (…để còn duyệt).

Xét về góc độ QTNS thì nó sẽ nảy sinh vấn đề: nhân viên không ra nhân viên và chủ không ra chủ, kẻ nghi người ngờ. Trong hệ thống QTNS, thưởng hay chia lợi nhuận đã được tính hết trong chi phí doanh nghiệp. Lợi nhuận là phần của cổ đông (những người bỏ vốn). Và khoản đó sau khi trừ thuế là của cổ đông.

Hệ thống Quản trị Nhân sự mà tôi hay đi chia sẻ, tư vấn là một hệ thống ở đó nó tuân theo thuyết công bằng của Adam. Mọi chính sách hay công cụ đều được xây dựa trên yếu tố công bằng. Chúng ta cần phải công bằng cho tất cả nhân viên và dĩ nhiên phải công bằng cho cả cổ đông nữa. Đừng chơi theo kiểu "lời đòi chia lãi, lỗ kể khổ đòi lại vốn".

Hệ thống Quản trị có win win rồi thì lúc khó khăn này, chúng ta hãy ngồi xuống với nhân viên và cùng bàn xem nên làm gì để qua giông bão. Biết đâu họ sẽ có ý tưởng tuyệt vời.

Đến thời điểm viết bài này, chúng ta đã có khoảng 150 người nhiễm cô vy và còn khoảng 20 người “lang thang” ngoài kia. Chúng ta nên dừng toàn bộ các hoạt động di chuyển của công ty, cho anh chị em ở nhà và đề nghị không di chuyển khoảng 1 tuần. Đây có thể là hành động thiết thực nhất cho đất nước và cho chính bản thân nhân viên. Sẽ có người hỏi tôi: cho nhân viên ở nhà thì chính sách trả lương cho họ thế nào? Tôi đề nghị trả 100% lương cho họ.

Nguyễn Hùng Cường | kinhcan24
HRM consultant / HRM blogger at blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *