Làm thế nào để hợp tác trong công việc với người bạn không thích?

Công ty tôi có lịch giờ làm việc đến 4h chiều. Sau thời gian này mọi người làm việc linh hoạt. Thành ra tôi lại có chút thời gian để làm việc mình thích đó là viết. Đang băn khoăn về việc viết gì thì tôi nhận được mail với nội dung: "Làm thế nào để hợp tác trong công việc với người bạn không thích?". Bất giác, tôi nghĩ đến bản thân và quãng đời chục năm ra đời làm việc của mình. Và rồi hàng loạt khuôn mặt mà tôi từng có trải nghiệm "không thích" hiện ra. Cũng lâu lắm rồi tôi không viết về những thứ tạm gọi là "bọ xít" cuộc đời. Nếu để ý và theo dõi những bài viết và blog của tôi, hẳn anh chị em sẽ thấy tôi chủ yếu viết về nghề (kỹ thuật) hoặc hoạt động cộng đồng. Lý do tôi chỉ viết về những nghề là vì tôi thấy mình chỉ là 1 con "bọ xít" trong cõi đời này. Trong khi đời thì rộng, thời gian thì trôi nhanh, nếu không làm một cái gì đó ý nghĩa thì quả là phí phạm. Lý do là vậy.

Hôm nay, tôi đang viết mấy dòng này thì mưa rào rào đổ xuống nên tôi sẽ đổi chút gió để kể về những người tôi không thích cho cả nhà cùng nghe. Trước khi kể, phải chia sẻ quan điểm với cả nhà: tôi không thích hợp tác với những người tôi không thích. Bất cứ ai tôi không thích, tôi sẽ bỏ lại họ đằng sau và tiếp tục bước tiếp. Theo ngôn ngữ facebook, tôi sẽ "unfollow" họ, nặng hơn sẽ "unfriend" hoặc " block". Tôi đơn giản vậy chứ tôi không phức tạp đến độ cố hợp tác với người tôi không thích. Tôi cũng hạn chế chơi với những ai mà tôi cảm thấy tâm hồn của họ "nằm trong manh chiếu chật" hay thiếu năng lượng tích cực. Một trong những mục tiêu cuộc đời của tôi: sức khỏe tinh thần tốt. Điều này đồng nghĩa với việc không bị stress. Mà muốn vậy thì tốt nhất là "dừng cuộc chơi" khi stress xảy ra.

Nào bắt đầu điểm danh! Tôi giơ ngón tay lên đếm. Hết ngón tôi lại đếm tiếp đến ngón chân... Nhiều quá không kể hết. Hi hi. Cũng tại tôi gây thù chuốc oán nhiều quá. : D Anh chị em có muốn biết mình hay ai đó ở trong danh sách đen của tôi không? Nếu có thì hãy đến gặp tôi. Chúng ta gặp nhau tức là anh chị em không ở trong danh sách đó : ))

Với quan điểm như ở trên, cho tới thời điểm này tôi gần như không phải hợp tác với người tôi không thích nữa.

Trở lại với chủ đề: Làm thế nào để hợp tác trong công việc với người bạn không thích? Nếu chả may tôi rơi vào tình huống đó thì tôi sẽ tách bạch giữa công việc và cuộc sống. Trong công việc, tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Còn trong cuộc sống thì kệ họ. Tuy nhiên nếu cứ như thế này (làm việc với người không thích), chúng ta đã tạo ra mối quan hệ "bằng mặt nhưng không bằng lòng". Điều này không tốt tí nào khi chúng ta mỗi ngày phải dùng 8h với mối quan hệ như vậy.

Tôi đi tư vấn Quản trị Nhân sự, tôi gặp kha khá tình huống "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" trong quan hệ công việc. Kết quả luôn là "chiếc gáo bị vỡ", có một ai đó phải ra đi vì môt ai đó không thích họ hoặc ngược lại. Đây chính là bệnh của nhiều công ty.

Trong những lần tôi được chứng kiến và tham dự vào tình huống tôi luôn cố để thúc đẩy các bên giảng hòa, giữa cho các bên không kéo căng sợi dây quan hệ. Tôi sợ căng quá dây đứt mất. Tôi đã làm gì?

Đầu tiên, tôi thúc đẩy ít nhất 1 cuộc họp để trao đổi về vấn đề xảy ra và tìm nguyên nhân thực sự dẫn tới xảy ra mâu thuẫn là gì. Trong buổi họp, cố gắng để các bên có thể nói ra tất cả các vấn đề và suy nghĩ của họ.
- Tại sao mọi người lại phản ứng theo cách đó?
- Điều gì là động lực của họ?
- Người đó đang nhìn người kia như thế nào?
- Điều họ muốn & cần ở nhau là gì?

Sau khi để các bên nói ra điều họ suy nghĩ, tôi sẽ lái họ hướng về sự tích cực và cái chung của tổ chức. Ví dụ: Tình huống: Trường phòng Sản xuất làm thêm giờ. CEO lại không muốn Quản lý làm điều đó. Nếu không hiểu nhau thì sự việc sẽ dẫn đến:
- Quản lý nghĩ rằng: Việc đáng ra phải tăng ca nhưng CEO tiếc tiền tăng ca.
- CEO nghĩ: Quản lý bôi việc khong cần thiết phải tăng ca.
Với tình huống này, tôi sẽ lái về:
- Quản lý đang nghĩ cho công ty nên cố làm hết việc
- CEO nghĩ cho quản lý khi phải tăng ca dẫn tới ảnh hưởng cho sức khỏe
Nếu như Quản lý hiểu rằng CEO đang nghĩ cho mình và CEO hiểu rằng Quản lý đang nghĩ cho công ty thì mối quan hệ sẽ không vấn đề gì nữa.

Tôi tiếp tục dẫn các bên với câu hỏi: Nếu là A thì B sẽ làm gì trong tình huống đó? Khi mọi người trả lời, tôi yêu cầu tất cả kiên nhẫn lắng, thật lòng lắng nghe.

Việc tiếp theo sau khi dẫn các bên theo hướng tích cực là tôi yêu cầu mọi người nói lên quan điểm, nguyên tắc làm việc của họ cũng như một số nguyên tắc sống. Khi mọi người nêu, tôi gõ lại thành văn bản để tất cả cùng thống nhất. Cẩu hỏi cần tất cả cùng trả lời: Chúng ta đang làm việc với nhau không tốt. Anh chị em có ý tưởng gì để tất cả có thể làm việc tốt hơn không?

Sau buổi họp, nếu tất cả có thể mở lòng, có thể nói, có thể nghe và có thể thống nhất, có lẽ mối quan hệ giữa các bên sẽ tốt hơn.

Kết quả của tôi là gì? Thú thực với cả nhà, tôi đã chứng kiến ít nhất 1 mối quan hệ bị vỡ (1 người nghỉ việc) và 1 mối quan hệ vẫn rất căng dù đã cố làm những điều trên.

Nguyễn Hùng Cường

One thought on “Làm thế nào để hợp tác trong công việc với người bạn không thích?

  1. Bài viết này có “phần 2” không ạ? Em hóng cách giải quyết và một cái kết có hậu khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *