Đừng hỏi: Sếp ơi, em nên làm thế nào? – kinh nghiệm làm việc cơ bản cần biết

Buồn quá! Sáng nay nhận được email của bạn nhân viên, tôi đọc mà buồn thấu ruột. Bạn đã ra trường, đi làm được 2 năm, vậy mà dường như kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp chỉ hơn các bạn mới ra trường một chút. Chả lẽ 2 năm làm việc ở công ty cũ, họ không bảo cho bạn một vài điều cơ bản?? Tình huống là như này:

Đầu tiên, tôi giao cho bạn nhân viên nhiệm vụ: mua 1 cái bảng có thể ghim được để làm bảng Kanban trong khuôn khổ phù hợp bức tường. Trước đó tôi đã chỉ cho bạn đọc bài tôi từng viết: "Đừng hỏi: Sếp ơi, em nên làm thế nào? – lời khuyên hay cho ai muốn làm việc với sếp PTGD bên mình" ( http://blognhansu.net.vn/?p=935 ). Nếu thực sự đọc kỹ thì hẳn bạn sẽ hiểu điều tôi nhắn nhủ: "Khi bạn không chắc mình cần làm gì và làm như thế nào, đừng chỉ im lặng và ngay lập tức cầu cứu người khác giúp đỡ. Thay vì thế, hãy cứ bắt đầu với những gì bạn biết và tin rằng mình nên làm, vạch ra định hướng theo chủ đích của mình (có lập luận cho định hướng đó) sau đó đưa ra đề xuất và lắng nghe góp ý từ sếp". Đây là bài viết được tôi viết ra từ năm 2011, tức là lúc đó tôi cũng chỉ 25 - 26, tương ứng với độ tuổi bạn nhân viên của tôi bây giờ.

Tôi giao việc rồi hướng dẫn sơ qua bằng cách chỉ bạn cái bức tường, bảo bạn đo diện tích rồi ra ngoài tìm thông tin để mua bảng. Đây là nhiệm vụ cơ bản. Hướng dẫn như vậy, tôi thấy ổn. Tôi kỳ vọng nhân viên của tôi sẽ trả lời tôi thế này (như tôi năm tôi 25):

Dear anh Cường (đẹp trai),

Anh có giao cho em nhiệm vụ làm bảng Kanban. Em đã đo bức tường. Diện tích bảng khoảng am dài x bm cao. Do là bảng ghim nên sẽ cần bảng mềm có thể dùng ghim để ghim giấy note lên. Em đã tìm hiểu trên mạng và thấy một số báo giá như sau:
- Báo giá 1: ... với kích cỡ ... Nguồn
- Báo giá 2: ... với kích cỡ ... Nguồn
- Báo giá 3: ... với kích cỡ ... Nguồn
Em cũng đã ra ngoài tìm xem xung quanh đây có cửa hàng nào không. Báo giá của nó là ....

Ngoài ra em cũng hỏi về việc đóng theo yêu cầu. Và chi phí đóng theo yêu cầu là:
- Đơn vị 1: ...
- Đơn vị 2: ...

Theo đề xuất của em, chúng ta không nên đóng theo yêu cầu mà nên mua khung sẵn. Nó không vênh với kích thước em đo là mấy. Để viết chữ như bảng Kanban, em dự kiến sẽ chạy ra in dề can rồi dán. Chi phí in đề can khoảng ...

Anh cho em xin ý kiến chỉ đạo với ạ. Em có gửi kèm theo email một số mẫu và hình ảnh bảng kanban.

Em,

Đấy đấy! Tôi kỳ vọng thế. Tức là tôi sẽ phải làm một số hành động để trả lời các câu hỏi:
- 1. Kích cỡ cái bảng ra sao: bắc ghế, ước lương, đo kích cỡ phù hợp
- 2. Tìm hiểu xem bảng ghim là gì: tìm kiếm trên google và cửa hàng gần đây.
- 3. Có những mức giá nào: tìm kiếm 2 - 3 báo giá
- 4. Có thể đặt làm được không: hỏi xem chỗ nào có thể làm theo yêu cầu
- 5. Nếu không thể đặt làm thì tự làm sẽ ra sao: mua đề can cắt dán vào bảng có sẵn liệu có đẹp?
- 6. Nếu cắn dán đề can thì cắt tay hay ra hàng, ở đâu: đi tìm xung quanh đây hay trên đường về có cửa hàng cắt dán đề can không?
- 7. Cắt dán vậy thì bao tiền: tiện thể hỏi giá luôn.

Kỹ vọng vậy nhưng thự tế là đây:

Anh ơi,

Em gửi anh phiếu tạm ứng để mua bảng ghim vì hnay e k mang đủ tiền để ra mua , Em định mua ở địa chỉ này a ạ

Trời ơi! Đây là công ty. Không phải là nhà hay gia đình. Chúng ta sẽ không thể làm việc theo kiểu này. Việc nhỏ bạn nhân viên của tôi đã thế này, thì việc lớn, mua thứ đắt tiền thì sao? Nghĩ xấu hơn 1 chút thì có thể liên tưởng đến rủi ro tài chính: nhân viên móc ngoặc với bên cung ứng. Tuy nhiên chúng ta sẽ không nghĩ xa vậy, tôi chỉ muốn nói đến việc: kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.

Nhân viên của tôi đã không đọc bài viết trên của tôi và còn nữa, hình như còn không đọc cả mấy bài tương tự như mấy bài sau: Câu chuyện thăng chức

Câu chuyện 1: Nhân viên thắc mắc tại sao vẫn không được thăng chức, sếp im lặng rồi chỉ sai một việc đã khiến anh ta tâm phục khẩu phục

Trường và Vương bắt đầu vào công ty làm việc trong cùng một ngày. 3 tháng sau, Trường được thăng chức, lương tăng gấp 3 lần còn Vương vẫn dậm chân tại chỗ, Vương không phục nên đi gặp sếp để hỏi lý do tại sao. Sếp không giải thích lý do vì sao cả mà chỉ giao cho anh ta và Trường một nhiệm vụ vô cùng đơn giản, đó là quét dọn vệ sinh trong vòng một tháng.

Nhiệm vụ của Vương là trông coi vệ sinh cho một khu vực trong công ty. Là một người chăm chỉ và cố gắng, cứ cách mỗi giờ đồng hồ Vương lại đi kiểm tra vệ sinh quanh khu vực mình được giao một lần, đồng thời cầm theo dụng cụ vệ sinh để nhanh chóng làm sạch những nơi vấy bẩn. Ngày qua ngày, mọi người và các lãnh đạo trong công ty tự nhiên có ấn tượng tốt với Vương là rất siêng năng và có tinh thần trách nhiệm.

Còn Trường, cũng là một người rất chịu khó giống như Vương. Trong quá trình duy trì vệ sinh của khu vực mình được giao, Trường không ngừng suy nghĩ là: "Tại sao mình cứ phải năm lần bảy lượt đi quét dọn? Tại sao rác luôn xuất hiện ở những thời điểm khác nhau? Tại sao họ lại vứt rác? Và những đối tượng thế nào vứt rác?".

Sau khi thăm dò và tìm hiểu, Trường đã thử bố trí thêm thùng rác ở những nơi thường xuất hiện rác nhiều nhất, đồng thời hướng dẫn phân loại rác, và thực hiện một số hoạt động công ích về bảo vệ môi trường, tuyên truyền và nâng cao ý thức của mọi người về việc giữ vệ sinh công cộng.

Nhờ vậy, sau một thời gian, công việc của Trường trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ cần sắp xếp thời gian kiểm tra một chút là được. Có thể mọi người sẽ nhận thấy cách làm của Trường không đơn giản chỉ là chăm chỉ và cố gắng nữa mà còn có cả trí tuệ, và dù cho sếp có giao cho Trường đi quản lý vệ sinh của khu vực lớn hơn nữa, anh ta vẫn sẽ làm tốt và được trọng dụng.

Thông qua nhiệm vụ này, sếp không cần giải thích thêm gì cả, mà hành động đã nói lên tất cả, Vương tâm phục khẩu phục.

Bạn thấy đấy, ai có thể tạo ra được giá trị lớn hơn người đó sẽ càng được trọng dụng. Vì vậy, nếu là bạn, bạn muốn làm một người tự nhận thấy mình đã rất cố gắng như Vương hay làm một người "xem ra" không cố gắng nhưng lại được trọng dụng như Trường đây?

Kỳ thực, mỗi một kiểu nhân viên sẽ có giá trị khác nhau ở những thời điểm khác nhau, và chúng ta bất luận thuộc kiểu nào thì đều cần có thái độ tốt. Bởi thái độ sẽ quyết định giá trị nhân sinh của mỗi người, và quyết định sự nghiệp của bạn có hay chăng sẽ tạo nên kỳ tích.

Thời Đại

Thân tặng cả nhà clip ý nghĩa sau để nghỉ mắt:

Câu chuyện 2: Cô Lan đã làm việc tại công ty gần 3 năm, nhưng mới đây một nhân viên được tuyển dụng vào sau cô lại được thăng chức, còn cô thì không. Thế rồi một ngày, cô Lan tìm đến người chủ để nói chuyện.

“Thưa ông chủ, tôi đã từng đến trễ, về sớm hay bị kỷ luật bao giờ chưa?”.

Người chủ chỉ đơn giản trả lời: “Không có”.

“Vậy công ty có thành kiến với tôi không?”. Người chủ lúc này hơi sững sờ một lúc rồi trả lời: “Dĩ nhiên là không”

“Tại sao người có trình độ chuyên môn thấp hơn cả tôi lại có thể được trọng dụng, mà tôi thì vẫn phải làm một công việc tầm thường?”

Người chủ im lặng một lúc rồi mỉm cười nói: “Việc của cô chúng ta sẽ đợi một lát sẽ bàn, hiện giờ tôi đang có một việc gấp cần xử lý, nếu không cô hãy giúp tôi xử lý việc này trước đã?”

Ông chủ nói tiếp: “Một khách hàng sẽ đến công ty để kiểm tra tình trạng sản phẩm, cô hãy liên lạc với họ hỏi xem khi nào họ đến?”

“Đây là một nhiệm vụ quan trọng”, bước ra đến cửa cô còn không quên quay lại cười với ông.

Sau 15 phút, cô quay trở lại văn phòng của ông chủ.

Ông chủ hỏi: “Cô đã liên hệ được với họ chưa?”
Cô trả lời: “Đã liên hệ được với họ rồi nhưng họ nói rằng tuần tới mới có thể qua”.

Ông chủ hỏi tiếp: “Cụ thể là vào thứ mấy tuần sau?”
Cô gái ấp úng nói: “Cái này tôi chưa hỏi rõ”.

- “Vậy có bao nhiêu người đến?”
+ “A! Giám đốc không nhắc tôi hỏi điều này?”
- “Vậy họ đến đây bằng tàu hỏa hay máy bay?”
+ “Cái này ngài cũng không nhắc tôi hỏi!”

Ông chủ đã không nói gì nữa, mà thay vào đó gọi một nhân viên khác có tên Trương Thái vào. Anh Trương Thái vào công ty trễ hơn cô một năm, hiện giờ đã là người đứng đầu của một bộ phận.

Trương Thái đã nhận nhiệm vụ tương tự như của cô. Sau một lúc anh ấy đã quay lại.

Anh Thái cho biết: “Sự việc là như vậy… Họ sẽ đáp máy bay vào 3 giờ chiều ngày thứ sáu tuần sau, khoảng 6 giờ tối sẽ đến đây. Họ có tổng cộng 5 người do trưởng phòng tiêu dùng ông Nam dẫn đầu. Tôi đã báo họ là công ty sẽ cho người ra sân bay để đón”.

“Ngoài ra, họ còn có kế hoạch nghiên cứu 2 ngày tại đây. Cụ thể về lịch trình thì sau khi đến đây hai bên sẽ bàn bạc để biết rõ hơn. Để tạo thuận lợi cho công việc, tôi đề xuất sắp xếp họ ở tại khách sạn quốc tế gần đó, nếu ngài đồng ý, ngày mai tôi sẽ đặt phòng trước.”

“Còn nữa, trong tuần tới dự báo thời tiết có mưa, tôi sẽ giữ liên lạc với họ bất cứ lúc nào. Nếu tình hình thay đổi, tôi sẽ báo cáo lại cho ngài ngay”.

Sau khi anh Thái rời đi, ông chủ đã quay sang nói với cô gái: “Bây giờ chúng ta hãy nói về câu hỏi của cô”

“Không cần nữa ạ, tôi đã biết lý do, làm phiền ngài rồi.”

Cô chợt hiểu rằng không phải cứ ai đến trước là sẽ đóng một vai trò quan trọng. Mọi người đều bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, những việc tưởng như bình thường nhất. Hôm nay bạn tự mình dán những loại nhãn hiệu cho bản thân, có lẽ ngày mai nó sẽ quyết định bạn sẽ được giao cho những trọng trách nhiệm vụ gì.

Mức độ quan tâm về công việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc. Bất kỳ công ty nào cũng cấp bách cần những nhân viên chủ động và có trách nhiệm trong công việc. Những nhân viên xuất sắc thường không bao giờ thụ động chờ đợi người khác sắp xếp cho công việc. Ngược lại họ sẽ chủ động tìm hiểu những gì họ nên làm, và sau đó tự mình đi hoàn thành tất cả.

--Sưu Tầm--

Thực lòng mong rằng nhân viên của tôi sẽ đọc bài này. Hiểu tôi muốn chia sẻ điều gì. Chỉ cần đọc và ngầm 2 câu chuyện ở trên đồng cảm với tôi 25 tuổi, vậy là tôi mãn nguyện rồi.

Thôi bài đã dài. Tôi sẽ gửi bài viết này cho nhân viên của tôi để em ý hiểu. Nếu bạn là người nhân viên trong bài viết của tôi, có lẽ do nhiều yếu tố nên có thể bạn đã không để ý đến việc làm thế nào cho chuyên nghiệp. Hãy tham gia khóa học đơn giản này của tôi: http://daotaonhansu.net/thuctap/. Trong này có một nhiệm vụ về việc tìm kiếm thông tin. Sẽ hữu ích khi trải qua rồi và không bị mắc phải nữa.

2 thoughts on “Đừng hỏi: Sếp ơi, em nên làm thế nào? – kinh nghiệm làm việc cơ bản cần biết

  1. Pingback: Công ty mới thành lập (startup), các công việc nhân sự cần làm năm đầu tiên là gì? | Blog quản trị Nhân sự

  2. Cám ơn anh vì chia sẻ và hai câu chuyện.

    Em xin phép được chia sẻ trên trang cá nhân và blog để tự nhắc nhở mình phấn đấu và đào sâu trong công việc ạ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *