Quản lý HR: Luật, Thông lệ và Mong muốn | Agile / Lean

Sáng sớm thấy tút của anh Dac Nguyen hay nên bê về để cả nhà cùng đọc:

Quy trình

Có mấy mẹ cứ nhăm nhe “phải có quy trình thì mới bắt đầu triển khai đc phần mềm”. Mời các mẹ đọc thêm một chút về Agile / Lean nhé.

Thực tế tại cty mình, mỗi ngày đổi 10 yêu cầu khác nhau, thì cách sau đang works “triển khai phần mềm dùng thử trước, anh em dùng loạn lên, quan sát, customize phần mềm, sau 1-2 tháng mới siết quy trình vào dần dần”.


Có một số mảng như HRM, và đặc biệt là CRM, để triển khai đc cần hiểu rõ tính cách CEO.

Đọc bài sau để hiểu rõ hơn:

Quản lý HR: Luật, Thông lệ và Mong muốn

Tác giả: anh Phan Phương Đạt, ex-HR Manager of FPT Corp.

Có người muốn làm một bức tường ngăn phòng trong nhà. Anh ta mời 1 thợ xây và 1 người sơn trang trí bức tường. Để xây tường, người thợ xây cần đáp ứng 3 loại điều kiện. Thứ nhất là điều kiện do định luật tự nhiên và luật pháp đặt ra (gọi chung là Luật) và bắt buộc phải theo, ví dụ tường không được trên nặng dưới nhẹ, phải đủ cứng, sử dụng vật liệu đạt chuẩn. Thứ hai là các điều kiện do thông lệ đặt ra, nếu tuân theo thì thường sẽ tốt hơn, ví dụ tường phẳng, cách âm, phù hợp khí hậu. Thứ ba là các mong muốn của chủ nhà, ví dụ độ dày mỏng, vị trí. Có thể thấy loại điều kiện thứ nhất chiếm tỷ trọng lớn, rồi đến loại thứ hai. Loại thứ ba chiếm tỷ trọng rất thấp, vì thế cho nên các bức tường na ná như nhau.

Người trang trí bức tường cũng phải đáp ứng 3 loại điều kiện như trên, nhưng tỷ trọng của chúng khác với thợ xây. Luật và Thông lệ ít, Mong muốn là chính. Vì vậy mà các bức tường được trang trí rất đa dạng, không cái nào giống cái nào.

Ba loại điều kiện nêu trên ràng buộc tất cả các loại hoạt động. Luật là bắt buộc, Thông lệ thì có lợi nếu theo, còn Mong muốn thì là mong muốn. Theo thời gian, Mong muốn có thể trở thành Thông lệ khi mọi người cùng thấy nó hữu ích, Thông lệ có thể trở thành Luật, và một điều Luật có thể được bỏ, để trở thành Mong muốn. Các loại điều kiện là chung, nhưng có tỷ trọng khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau.

Lấy ví dụ hoạt động kế toán trong công ty. Luật lệ về kế toán rất nhiều và chặt chẽ, thông lệ cũng nhiều (thường là của hiệp hội nghề nghiệp xây dựng nên và có khả năng thành luật), các mong muốn còn lại của công ty chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó hoạt động kế toán của các công ty giống nhau, và một chuyên gia kế toán có thể dễ dàng phát huy khi chuyển sang công ty mới.

HR thì khác. Ngày trước, khi tất cả các công ty ở VN chung một chủ là nhà nước, thì Mong muốn trở thành Luật và Thông lệ, nên hoạt động của các phòng ban Tổ chức cán bộ na ná nhau. Ngày nay khi có thêm hình thức sở hữu tư nhân, nước ngoài, v.v. thì không thế nữa. Luật liên quan đến HR rất ít, Thông lệ cũng mới hình thành (ví dụ cách thức tuyển dụng, quản lý thông tin nhân sự, v.v.) và đơn giản. Bù vào đó, Mong muốn của người chủ công ty rất đa dạng. Ngoài những hoạt động cơ bản thì các chính sách, chương trình, văn hóa liên quan HR đều phụ thuộc vào mong muốn dài hạn và ngắn hạn của người chủ. Nếu làm kế toán giống với xây tường, thì làm HR giống như người trang trí, ít ra là ở Việt Nam.

Ước lượng đại khái, tỷ lệ giữa Luật + Thông lệ / Mong muốn trong HR ở VN cỡ 30/70. Vì phần Mong muốn rất nhiều, các HR manager (HRM) cần phù hợp với công ty (sếp) hơn là giỏi về Luật và Thông lệ. Trong nhiều trường hợp, HRM nhầm lẫn giữa Thông lệ và Mong muốn, nên hay phàn nàn về sếp khi bị từ chối một chương trình hay hoạt động nào đó. Tất cả những thứ mốt như talent management, business partner, v.v., cho đến khi chứng minh hiệu quả rõ rệt, chẳng qua là các loại trường phái trang trí khác nhau mà chủ nhà có thể chọn hoặc không chọn cho bức tường của mình. Họ có thể chọn trang trí theo kiểu mà người thợ không thích và chê là quê mùa.

Vì lẽ đó, một HR manager (HRM) phát huy rất tốt ở công ty này có thể không phù hợp ở công ty khác, thậm chí giảm giá trị khi thay đổi sếp, dù vẫn ở công ty cũ. Và không phải không có lý khi các thư ký, trợ lý của sếp hay trở thành HRM (chứ không trở thành Kế toán trưởng). Và cũng vì thế mà các CHRO/HRM hay hội họp tìm cách chứng minh vị thế của mình trong công ty (và hay cho là sếp dốt), trong khi tụi CFO chẳng bao giờ phải vậy.

Bonus. Ở một công ty có tiếng là dân chủ, sếp muốn bổ nhiệm giám đốc đơn vị và yêu cầu HRM tiến hành survey nhân viên, làm sao phải có Yes/No đàng hoàng và bảo đảm 100% ủng hộ. Sau 1 ngày suy nghĩ, HRM đã triển khai survey như sau:

Có phải Anh/Chị không phản đối việc bổ nhiệm ông N. làm giám đốc:

1. Đúng, không phản đối
2. Không, không phản đối

Nguồn: phanphuongdat.wordpress.com

2 thoughts on “Quản lý HR: Luật, Thông lệ và Mong muốn | Agile / Lean

  1. anh Cường có bản tổng hợp những điều luật của công ty cần áp dụng không ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *