Dạy trong Quản trị Nhân sự là gì?

Còn mấy ngày nữa là chính thức nghỉ Tết. Lúc này hẳn có rất nhiều người đang rạo rực với các kế hoạch của riêng mình: đi đâu, ăn gì, gặp ai?...Còn tôi thì lại lẩn thẩn với Quản trị Nhân sự với từ mấy khóa liên quan đến “đào tạo”, “phát triển”, “truyền thông nội bộ” trong công ty. Liệu chúng ta đang ở vị trí Đào tạo nhân sự trong công ty có thực sự hiểu: đào tạo là gì? đào tạo nhân sự nằm ở đâu trong câu truyện Quản trị Nhân sự? …

Để hiểu hơn về đào tạo nhân sự, chúng ta cùng khởi đầu từ Quản trị Nhân sự. Với tôi: Quản trị nhân sự là làm tất cả các hoạt động để nhân viên đạt mục tiêu thông qua đó nhân viên đạt mục tiêu. Quản trị Nhân sự xoay quanh Tuyển – Dạy – Dùng – Giữ - Thải.

Sau Tuyển là Dạy. Dạy với nhiều người hiểu là Đào tạo Nhân sự. Nhưng Đào tạo nhân sự có phải là Dạy?

Đào tạo theo Hán Việt:
- Đào có nghĩa (mở rộng): Hun đúc, uốn nắn, bồi dưỡng
- Tạo có nghĩa (mở rộng): Việc có thành tựu thì mới báo cho người ta biết hoặc Làm việc có thành tựu
Như vậy: Đào tạo là Hun đúc, uốn nắn, bồi dưỡng cho đến khi có thành tựu.

Giáo dục theo Hán Việt:
- Giáo: Chỉ bảo, hướng dẫn
- Dục: Chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho kẻ bất thiện (biến) trở thành thiện
Giáo dục là Chỉ bảo, hướng dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho kẻ bất thiện trở thành thiện.

Theo định nghĩa ở trên, Đào tạo nằm trong giáo dục. Nhưng đâu đó, chúng ta quen nghe thấy (Giáo dục – Đào tạo). Với cách đặt này, tôi nghĩ rằng chúng ta nên hiểu rằng: Giáo dục là nhiệm vụ về việc tạo ra căn bản, nền tảng (thái độ, kiến thức, kỹ năng) thông qua chỉ bảo, hướng dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho kẻ bất thiện trở thành thiện. Còn đào tạo tiếp tục với nhiệm vụ nâng cấp căn bản qua việc hun đúc, uốn nắn, bồi dưỡng cho đến khi có thành tựu.

Với tôi, Dạy là làm sao để nhân viên yêu tổ chức, yêu công việc, biết cách làm việc tối ưu để đạt mục tiêu trong hiện tại và tương lai ( https://goo.gl/nzZ3ZY ). Tức chúng ta phải chỉ bảo, hướng dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho nhân viên không yêu công ty trở thành yêu, không yêu công việc thành yêu, hun đúc, uốn nắn, bồi dưỡng nhân viên cho đến khi có cách làm việc tối ưu. Dạy là giáo dục – đào tạo nhân viên.

Sẽ có anh chị em phản biện tôi và nói rằng: Dạy là một hoạt động của Giáo dục – Đào tạo. Thực là thế. Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng với tôi Dạy có một nghĩa khác rộng hơn. Và Dạy có nghĩa như ở trên.

Theo một góc nhìn khác, Dạy = Giáo dục - Đào tạo = Truyền thông nội bộ vs Đào tạo vs Phát triển (vs có thể hiểu là cộng/ với/ và)

Với cách hiểu và góc nhìn về Dạy, chúng ta sẽ thấy một khối lượng công việc khổng lồ mà những ai làm nhiệm vụ này cần phải làm. Tôi lại tiếp tục miên man suy nghĩ: có thực sự “dạy” quan trọng với công ty? Liệu không có Dạy thì có sao không?

Như tôi đã từng chia sẻ, một trong những nhiệm vụ của CEO và quản lý là: Quản trị Nhân sự. Trong một tổ chức nhỏ, mới khởi nghiệp, các hoạt động “dạy” thường bị xem nhẹ. Có thể do mới nên tổ chức cần tồn tại, cũng có thể do CEO bản thân cũng không có kỹ năng, kiến thức Quản trị nhân sự. Tuy nhiên Dạy là một hoạt động quan trọng. Dù muốn hay không thì Dạy luôn cần và ẩn hiện đâu đó thông qua công việc. Nếu chúng ta chịu khó để ý và duy trì, nó sẽ phát huy hiệu quả. Những bài toán về Quản trị Nhân sự sẽ được giải quyết khi có Dạy. Dĩ nhiên khi giải quyết được các bài toán liên quan thì cả công ty và nhân viên cùng được lợi. Đó là:

Đối với công ty:
- Nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thực hiện công việc.
- Nâng cao chất lượng của thực hiện công việc.
- Giảm bớt sự giám sát vì nhân viên được đào tạo là người có khả năng tự giám sát.
- Nâng cao tính ổn định và năng động của tổ chức.
- Duy trì và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực
- Tạo điều kiện cho áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý vào doanh nghiệp.
- Tạo ra được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- …

Đối với nhân viên:
- Tạo ra sự gắn bó giữa nhân viên và công ty.
- Tạo ra tính chuyên nghiệp.
- Tạo ra thích ứng giữa nhân viên và công việc hiện tại cũng như tương lai.
- Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng phát triển của nhân viên.
- Tạo cho nhân viên có cách nhìn, cách tư duy mới trong công việc của họ, là cơ sở để phát huy tính sáng tạo của nhân viên trong công việc.
- …

Ngẫm nghĩ, lan man vậy mà cũng đã 5h chiều rồi. Thôi tôi đi chuẩn bị liên hoan đây. Hẹn gặp anh chị em ở bài sau.

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *