Lệnh ông không bằng cồng bà – chuyện chính trị công ty! – phần 1

Tối ngày 1/9, thay vì nghỉ lễ và như mọi người ai nấy trên đường để di chuyển tới một địa điểm nào đó, tôi lại đi offline với các anh chị em trong Cộng đồng Nhân sự. Là đêm trước của ngày nghỉ nên ngoài đường thì hối hả còn bên trong thì nhẹ nhàng, quá café trên đường Nguyễn Chí Thanh yên bình với một vài khách đang thì thầm nhỏ to câu chuyện của họ. Chúng tôi cũng có câu chuyện của mình. Chúng tôi bàn nhiều thứ từ dự án đào tạo của cộng đồng cho đến tổng kết sự kiện từ thiện. Và kết của buổi off là chuyện bạn tôi. Bạn là một HRM đang thử việc của công ty mới. Và bạn lại đang muốn nghỉ việc. Ai cũng lạ.

Bạn tôi kể: “Hôm nay anh giám đốc quyết định thưởng 200k cho mọi người. Thế là em chán từ chiều đến giờ. Đầu tháng em đã công bố là công ty sẽ thưởng 500k rồi mà đến phút chót anh ý còn thay đổi. Đây là một nội dung trong Quy chế lương thưởng, chế độ cho cán bộ nhân viên (Các ngày lễ như: Tết dương lịch, 30/4 – 1/5, 2/9 mỗi nhân viên được thưởng số tiền từ 500.000đ = 1.000.000đ tùy vào kết quả kinh doanh của công ty), có quyết định ban hành đàng hoàng. Lúc công bố, anh ý còn đưa em cả văn bản quyết định thưởng đàng hoàng. Em vào hỏi thì anh ý bảo là: “Nhân viên có làm gì được cho anh đâu mà thưởng nhiều. Như kia kìa, từ đầu năm tới giờ mới chỉ được có 2 bộ hồ sơ”. Dù sao việc thưởng này đã là tốt hơn trước nhưng em vẫn chán.

Ngoài ra, anh GĐ tuyển em vào với mong muốn giúp anh ý xây dựng lại phòng Nhân sự. Thế mà khi em bảo xây dựng Mô tả công việc thì anh ấy gạt phăng đi. Anh muốn xây dựng hệ thống đánh giá trước. Làm sao mà xây dựng hệ thống đánh giá được khi mà JD (mô tả công việc) chưa chuẩn.

Lại còn nữa, công ty là của anh nhưng người đứng tên Giám đốc lại là vợ anh ý. Cho nên mọi thứ ký tá đều phải qua tay chị ý. Xin ý kiến anh ý xong rồi lại phải trình bày lại với vợ. Tuần thứ 2 khi em mới vào, chị vợ làm quyết định cho em làm vị trí nhân sự tổng hợp. Hỏi ra thì chị vợ bảo không biết. Em không chấp nhận và có vào trao đổi, bảo anh cần chia sẻ nhiều hơn với vợ. Anh GĐ nhận lỗi là đã không chia sẻ với vợ về định hướng dài hơi khi tuyển em vào. Thế là em có làm lại quyết định và tự làm hợp đồng thử việc cho bản thân. Công ty gần như vẫn chưa làm cái hợp đồng nào với nhân viên cả. Em làm quyết định và hợp đồng xong thì gửi cho chị giám đốc đến giờ vẫn chưa lấy lại.

Rồi, trong thời gian mới vào, em có làm quen với một em kế toán. Em này cùng phòng với chị vợ. Chị giúp anh GĐ phụ trách mảng kế toán. Em trao đổi với em kế toán về mức lương thưởng của vị trí kế toán em đó đang đảm nhiệm. Em nhận định rằng mức lương khá thấp. Câu chuyện trao đổi riêng. Thế nào nó lại rơi vào tai chị vợ. Chị tiếp tục trao đổi lại với anh với đại ý rằng: HR không đứng về phía công ty mà lại tính bòn rút. Em không nói chuyện với bạn kế toán nữa. Các công việc em hỗ trợ bạn cũng trả hết. Để mỗi khi có việc bạn tự đi từ văn phòng này sang văn phòng kia.”

Viết thì ngắn vậy, tuy nhiên khi nói, câu chuyện sẽ mất thời gian hơn để kể. Chúng ta sẽ giải quyết bài toán này thế nào ?

Tôi đã thấy khá nhiều công ty, chồng khởi nghiệp và vợ về giúp làm kế toán. Hai vợ chồng cùng song hành. Mỗi nơi mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mặc dù vậy cái cảnh vợ chồng to tiếng và không thống nhất với nhau nhiều hơn. Cũng đúng thôi, con trai hay có cái nhìn dài hạn còn con gái thường hay nhìn vào cái trước mắt. Đàn bà nghĩ đến cái to nhưng thực ra nó là cái nhỏ còn đàn ông nghĩ đến cái nhỏ nhưng thực ra nó là cái to. Chồng với vợ cùng khởi nghiệp nên chuyện công ty thành chuyện gia đình. Ngược lại, chuyện gia đình thành chuyện công ty. Hôm nào vợ chồng mà cơm không lành, canh chả ngọt là công ty náo loạn. Hôm nào công ty vỡ bung vỡ bét là về nhà nồi niêu xong chảo bị đập loảng xoảng. Từ đó nó dắt dây sang chuyện chính “chị” chính “em”.

Chuyện chính trị văn phòng, công ty là điều ít nhiều ai đi làm cũng gặp. Thân làm HR ( nhân viên phòng Nhân sự ) sẽ gặp nhiều. Và là HRM (trưởng phòng quản trị nhân sự) còn phải gặp nhiều nữa. Tình trạng chia bè kết cánh, nói xấu chế độ nói xấu anh em …Khi nhắc đến chính trị văn phòng thường ta sẽ nghĩ xấu nhưng nếu hướng đúng đó là cái tốt.

Chúng ta có 4 cách hiểu khác nhau về chính trị (theo wiki):
- Nghệ thuật của phép cai trị
- Những công việc của chung
- Sự thỏa hiệp và đồng thuận
- Quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích

Tôi thấy cách hiểu thứ 3 và 4 là cách có vẻ gần với doanh nghiệp. Chúng ta đưa ra các thỏa hiệp để hướng mọi thứ đồng thuận về một phía. Từ đó sử dụng quyền lực của sự đồng thuận để phân phối tài nguyên hay lợi ích. Hay nôm na, là chúng ta cần biết cách gây ảnh hưởng. Lãnh đạo bằng cách gây ảnh hưởng thì John Maxwel đã viết và hướng dẫn cách thực hành.

Biết cách gây ảnh hưởng tức là làm theo các nguyên tắc sau: (Hình 1)
CÁC NGUYÊN TẮC GÂY ẢNH HƯỞNG VỚI CẤP TRÊN
• Lãnh đạo bản thân xuất sắc
• Chia sẻ gánh nặng với cấp trên
• Sẵn sàng làm việc người khác không làm
• Làm nhiều hơn quản lý- lãnh đạo
• Đầu tư vào mối quan hệ hữu hảo
• Chuẩn bị sẵn sàng mỗi lần gặp lãnh đạo
• Biết tiến, lùi đúng lúc
• Trở thành "Quân sư"
• Không ngừng tiến bộ

CÁC NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC VỚI ĐỐI TÁC & ĐỒNG CẤP
• Am hiểu, thực hành và hoàn thành chu trình lãnh đạo
• Hoàn thiện lãnh đạo đồng cấp trước khi cạnh tranh với họ
• Hãy là một người bạn
• Tránh đấu đá chính trị
• Mở rộng vòng tròn quan hệ
• Sẵn sàng công nhận ý tưởng xuất sắc nhất
• Đừng tỏ vẻ hoàn hảo

CÁC NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CẤP DƯỚI
• Truyền tải tầm nhìn
• Khen thưởng thành tích đúng thời điểm
• Làm gương, phong cách lãnh đạo phù hợp
• Dành nhiều thời gian cho nhân viên
• Coi mỗi nhân viên là một điểm 10
• Phát triển từng nhân viên với tư cách một người
• Sử dụng nhân viên đúng sở trường của họ
• Chấp nhận ý kiến trái chiều của cấp dưới
• Khéo léo giải quyết xung đột và mâu thuẫn với cấp dưới

Từ chính trị chúng ta quay sang câu chuyện tay bốn: bạn tôi HRM – em kế toán – chị vợ tài chính – anh chồng giám đốc. Công việc nhân sự là công việc xung quanh con người, công việc nên nghệ thuật sẽ là từ hay được dùng: nghệ thuật làm việc với con người. Rõ ràng lương lậu là câu chuyện làm quà của Nhân sự với mọi người. Ai cũng thích. Bạn tôi áp dụng đúng sách lược: “lôi kéo sự ủng hộ của nhân viên thông qua việc nói về quyền lợi và đứng về phía họ”. Tiếc là trường hợp này bạn bị phản “đam” (bị tác động xấu). Có những người, đôi khi lấy câu chuyện riêng tư của bạn với họ để làm quà cho một buổi nói chuyện khác. Khi một việc qua tai người khác thì “vọng tâm” đã diễn giải “sự thật” theo một hướng khác. Tốt thì không sao nhưng xấu thì quả khủng khiếp. Giờ phải giải quyết sao với mối quan hệ tay 4 này. Theo tôi làm như trên là tốt nhất. Tuy nhiên trên mới chỉ là nguyên tắc thôi.

Với em kế toán, mọi người đều khuyên là thay vì im lặng và trả lại hết việc để ý khổ thì bạn tôi cần nói cho em hiểu rằng không nên làm vậy, không cần thiết phải mang chuyện cá nhân giữa bạn và em ra nói với mọi người. Tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên câu chuyện nên xây dựng trên tinh thần xây dựng theo các nguyên tắc đối xử với các đồng nghiệp ở trên. Chúng ta kéo dãn dây nhưng không nên kéo đến độ đứt.

Với vợ chồng anh Giám đốc thì xử lý quan hệ sẽ phức tạp hơn.

Còn tiếp!

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *