Đừng nghỉ việc khi công ty bảo bạn không phải đến

Khi tư vấn kiện công ty vi phạm luật lao động, tôi hay bảo mọi người "Đừng nghỉ việc khi công ty bảo bạn không phải đến. Khi đến, bảo vệ không cho vào hãy lưu lại bằng chứng". Bài báo dưới đây là lý do tại sao tôi khuyên như vậy. Thân mời mọi người đọc bài: “Cty HNL Vina cho NLĐ nghỉ việc trái luật”: Người lao động thắng kiện, Cty phải bồi thường trên báo Lao động.

Tôi diễn giải bài báo đó theo trình tự thời gian cho dễ hiểu như sau:

- Ngày 17.2.2015: bà Lê Cẩm Giang và Cty HNL Vina ký HĐLĐ xác định thời hạn với vị trí công nhân (CN) vận hành máy may, lương 3.550.000 đồng/tháng.
- Ngày 17.7.2015: công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với bà GIang trước thời hạn 30 ngày bằng văn bản và nêu rõ lý do chấm dứt HĐLĐ.
- Ngày 15.8.2015: phòng nhân sự kêu bà lên ký vào đơn thôi việc, bà không đồng ý. Bảo vệ Cty không cho bà Giang vào làm việc.
- Ngày 31.8.2015: Công ty làm Quyết định xử lý kỷ luật lao động về việc sa thải bà Lê Cẩm Giang số 07/QĐKL/HNL ngày 31.8.2015 do bà Giang vi phạm kỷ luật lao động khoản 3 Điều 126 Bộ Luật lao động (bà Giang tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng mà không có lý do chính đáng). Biên bản về việc xử lý kỷ luật lao động ngày 31.8.2015 không có người lao động là bà Giang tham gia.
- Ngày 3.9.2015, tại buổi hòa giải do hòa giải viên lao động Trần Thị Thanh Mai (Phó Trưởng phòng LĐTBXH quận 9) chủ trì, phía Cty cho rằng: Chị Giang đã có những hành vi không hợp tác và thường xuyên được quản lý trực tiếp nhắc nhở và báo về ban giám đốc. Xét thấy năng lực và thái độ của chị Giang không phù hợp với yêu cầu công việc nên Cty đã có thông báo trước cho NLĐ 30 ngày trước khi chấm dứt HĐLĐ. Do vậy DN không đồng ý bồi thường. Trước ý kiến này, Hội đồng hòa giải lao động quận 9 phản bác vì DN không chứng minh được việc NLĐ không hợp tác là như thế nào nên việc Cty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ là trái pháp luật. Đề nghị DN bồi thường HĐLĐ theo quy định. Buổi hòa giải không thành, chị Giang đã kiện ra tòa án quận 9.
- Sau gần 1 năm, tòa án nhân dân quận 9 đã đưa vụ việc ra xét xử. Tại phiên toà, đại diện ủy quyền cho Cty, ông Nguyễn Văn Thịnh cung cấp thêm Biên bản về việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động ngày 31.8.2015, Quyết định xử lý kỷ luật lao động về việc sa thải bà Lê Cẩm Giang số 07/QĐKL/HNL ngày 31.8.2015 do bà Giang vi phạm kỷ luật lao động khoản 3 Điều 126 Bộ Luật lao động (bà Giang tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng mà không có lý do chính đáng). Biên bản về việc xử lý kỷ luật lao động ngày 31.8.2015 không có người lao động là bà Giang tham gia và Cty cũng không có chứng cứ chứng minh đã gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho bà Giang nên việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động của Cty không thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ Luật lao động năm 2012 và Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động.

Tòa kết luận Cty HNL Vina đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Giang trái pháp luật. Hội đồng xét xử nhận định, vì đến ngày 16.2.2016, HĐLĐ của bà Giang với Cty HNL Vina chấm dứt nên Hội đồng xét xử tuyên Cty phải bồi thường cho bà Giang tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 16.8.2015 đến ngày 16.2.2016. Yêu cầu Cty đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho bà Giang đến ngày 16.2.2016 theo quy định pháp luật.

Nguồn: laodong.com.vn/cong-doan/tiep-vu-cty-hnl-vina-cho-nld-nghi-viec-trai-luat-nguoi-lao-dong-thang-kien-cty-phai-boi-thuong-585429.bld

Mọi người thấy không? Trong seri các bài về việc kiện tụng, nếu theo dõi kỹ chúng ta sẽ hiểu rằng: chúng ta sẽ thắng kiện nếu chúng ta biết cách:
- Đầu tiên: hãy lưu lại các bằng chứng rằng chúng ta đã làm việc ở công ty và chúng ta không vi phạm gì, chúng ta hoàn thành tốt công việc.
- Thứ hai: chúng ta có ý chí muốn ở lại làm việc chứ không phải muốn nghỉ: yêu cầu viết đơn thôi việc - không viết, yêu cầu lấy lương - không lấy, yêu cầu cầm hồ sơ về - không cầm, yêu cầu ra khỏi công ty - không ra, bảo vệ đuổi ra - hôm sau lại đến. Nhớ lưu lại bằng chứng ý chí của chúng ta.
- Thứ ba: đúng quy trình từ công đoàn, rồi tới phòng LĐTBXH quận, rồi tới tòa án.
- Thứ tư: kiên trì chờ đợi và nhờ thêm tác động của báo chí.

Tất nhiên là khi đã muốn cho nghỉ thì công ty sẽ nghĩ ra nhiều cách để ép chúng ta nghỉ. Cách hay làm nhất là đẩy việc rồi chờ chúng ta không hoàn thành thì lập biên bản. 3 lần lập biên bản rồi tiến hành kỷ luật sa thải. Hoặc không giao việc + giảm lương để chúng ta chán tự xin nghỉ. Tuy nhiên giao việc thì phải đúng hợp đồng lao động. Đánh giá thì phải có quy chế đánh giá. Giảm lương theo luật phải có thời hạn. Không dễ gì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *