Suy nghĩ trong những ngày hỗ trợ công ty phỏng vấn công nhân …

1/ Các công ty tuyển dụng nhiều, cạnh tranh khốc liệt:
Ra Tết, công ty nào cũng bắt đầu tuyển nhiều, công ty nào cũng toàn tuyển đến vài trăm, vài nghìn công nhân. Nhìn thì thấy cơ hội việc làm rộng mở lắm, nhưng thực tế trong đó là biết bao sự cạnh tranh. Cạnh tranh giữa công ty với công ty, cạnh tranh giữa công nhân với công nhân. Phân tích những cái này thì đến vài chương mới hết, nên tạm kết ở đây.

2/ 95% các công ty chỉ tuyển NỮ, không ( hoặc ít ) nam
Chẳng hiểu từ bao giờ, các công ty lại kiêng kỵ công nhân nam đến vậy. Mà việc kiêng kỵ không chỉ ở 1 quốc gia, chẳng hiểu sao nó trở thành nỗi sợ, từ HQ, TQ, NB,... đều chỉ thích tuyển công nhân nữ. Và mọi người coi đó là 1 chân lý đúng, nên không cần tiếp tục bàn cãi về độ đúng của nó!

Và thế là trừ những công nhân nữ đạt yêu cầu, thì còn 1 bộ phận công nhân nữ quá độ tuổi cũng được tuyển, trông có vẻ chậm chạp tí cũng được tuyển, học vấn không đến đâu cũng được tuyển...Phải tuyển cho đủ số. Biết làm sao được, cần nhiều quá!

Và thế là công nhân nam, 1 bộ phận khá khá xuất sắc cũng không được tuyển, học vấn cao đẳng, đại học cũng không được tuyển, nhanh nhẹn cũng không được tuyển, mà chỉ " chờ thông báo" , " chờ sắp xếp", " chờ sàng lọc"...

Nhưng các công ty chỉ tuyển nữ, không tuyển nam cũng có lý của nó.

3/ Đa phần NỮ thực sự chăm chỉ, đa phần NAM thực sự lười
Trong phần " quá trình làm việc", hỏi bất cứ công nhân nữ nào, trừ những người SN 98 mới tốt nghiệp, thì cũng có thể lập tức kể ra vài cái công ty họ đã từng làm, từ năm nào đến năm nào, ở vị trí nào, mức lương, nguyên nhân lý do nghỉ việc...

Còn hỏi công nhân nam thì đến 80% các anh ậm ừ, làm nghề tự do, làm kinh doanh tại nhà, làm xây dựng, ở nhà phụ giúp bố mẹ.
-"Bố mẹ anh làm nghề gì?"
-"Bố mẹ em làm ruộng"
Bố mẹ làm ruộng thì anh có cần phải ở nhà giúp đỡ đến 5,6 năm như vậy hay không?
Nên nói một câu chân thật, với bộ phận người Việt như vậy, thì nước mình còn lâu mới giàu mạnh. Vì họ là người đàn ông trong gia đình, mà họ chỉ biết đến cái QUYỀN, chứ không biết đến NGHĨA VỤ của họ, không nhận thức được áp lực đặt lên lưng họ.

Và còn các chị, các chị chiều chồng cho lắm vào! Ôm hết cái vất vào người, lăng xả kiếm tiền cho chồng ở nhà gia trưởng.

4/ Người quen, người thân được ưu tiên
Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, tất nhiên những người quen thân có ưu thế. Tuy chưa đủ điều kiện, nhưng dù sao có người nhờ, dù sao là người quen của anh A, chị B, chị C thì thôi cũng vào. Yếu tố này làm cho 1 phần những bạn nam, vốn dĩ có đủ điều kiện vào công ty, thì lại bị đánh trượt. Thứ nhất hậu duệ, thứ hai quan hệ, thứ ba tiền tệ, cuối cùng mới đến trí tuệ cơ mà!

Suy cho cùng, thì đó là tình trạng chung của toàn xã hội! Vì có những người sống theo lối sống quan liêu đưa ra yêu cầu, và có những người tiếp tay cho lối sống quan liêu hưởng ứng, nên nó cứ tồn tại mãi.

5/ Kết:
Nhìn người công nhân đi xin việc thật sự thấy họ vất đấy các bạn ạ! Hoặc từ xa đến, chờ đợi vờ vật; hoặc hoàn cảnh khó khăn, biểu hiện ra trên từng khuôn mặt; hoặc mang sự thất vọng vì phỏng vấn rất nhiều công ty không có hồi âm; hoặc mang lo lắng, không biết lần phỏng vấn này có thuận lợi.... tất cả làm cho họ trông thực sự đáng thương!

Nên các công ty khác, mà có cái hội nhận tiền của công nhân ấy, lấy tiền trên mồ hôi nước mắt của họ ấy, là cái hội không có quả tim, không có óc! Nhận tiền của công nhân là một cái tội đấy ạ!
Dù sao đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại! Dù trước đây các anh có ăn không ngồi rồi, nhưng giờ có ý thức đi tìm việc làm, cũng mong các anh tìm được việc làm ổn định, có thu nhập ổn định, để giảm bớt khó khăn trong gia đình!

Còn bản thân công ty mình, cũng cố gắng nới rộng tỷ lệ ra một chút, để thêm cơ hội cho các anh vậy!

Nguồn fb Bui Thuy: facebook.com/buithuy250591

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *