Phân bổ phụ cấp phúc lợi tối đa là bao nhiêu để hợp lý chi phí tiền lương ?

Sáng tôi nhận được câu hỏi của 1 chị với đại ý: "Phân bổ phụ cấp phúc lợi tối đa là bao nhiêu để hợp lý chi phí tiền lương ?". Thế là tôi phải mất nguyên cả buổi tối cho đến giờ để làm ra 1 cái bảng excel và biên bài này trả lời chị.

"Kính gửi anh Cường,

Như mình đã trao đổi với anh Cường qua điện thoại, hiện tại mình đang làm muốn làm hợp đồng lao động cho nhân viên trong cty nhưng chưa biết nên làm thế nào cho hợp lý.

Ví dụ : có nhân viên kế toán có mức lương thực tế mà cty đang trả là 9tr/ tháng nhưng mức lương để đóng BHXH cty chỉ tính đóng mức 4tr, vậy mình nên làm hđlđ như thế nào cho hợp lý? Anh có thể gửi cho Hoa mẫu hợp đồng để tham khảo được không?"

Lúc đầu tiên trao đổi, tôi cứ tưởng chị hỏi nên phân bổ vào loại phụ cấp nào để phải đóng BHXH ít nhất. Thế là tôi tư vấn chị đọc luôn Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH cho nóng. Đỡ phải hỏi nhiều. Nhưng sau, đến lần trao đổi thứ 2, chị không chỉ muốn tìm hiểu xem nên phân bổ vào loại phụ cấp nào mà còn là phân bổ tối đa được bao nhiêu để cho hợp lý chi phí (Chi phí ở đây là chi phí doanh nghiệp). Ý hỏi của lần 2 làm tôi đau đầu. Tôi đã nhiều lần chia sẻ rằng việc cân đối các chi phí lương thường là việc của kế toán. Họ phải biết khoản chi phí lương bổ vào đâu là được. Do vậy tôi khuyên chị đi hỏi kế toán của công ty. Họ mà không biết phụ cấp nào được tối đa là bao nhiêu thì rõ vớ vẩn.

Còn tôi, thấy mình dốt nên đi tìm tòi. Sau khi đọc một loạt các thông tư, nghị định của kế toán, tôi cũng lập ra được 1 cái bảng liệt kê ra các loại chi phí tiền lương, phụ cấp, phúc lợi. Và trong bảng đó có mức tối đa được phép. Không những vậy, tôi còn liên kết các chi phí này với thuế thu nhập cá nhân để mọi người nhìn rõ hơn.

Hình dạng cái bảng nó như :

Bang chi phi tien luong

Ai muốn nhìn rõ cái bảng vui lòng click vào đây: Bảng chi phí lương . PNG

Bảng sẽ trả lời câu hỏi:
- Chi phí tiền lương bao gồm những chi phí nào, phụ cấp, phúc lợi gì?
- Mức tối đa cho mỗi loại chi phí ?
- Chi phí đó có được tính không phải đóng BHXH ?
- Chi phí đó có được loại trừ Thuế thu nhập cá nhân ?

Về chi phí tiền lương có các loại chi phí sau:

1 . tiền lương
2 . tiền thưởng
3 . Tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ, ngày lễ, làm việc ban đêm
4 . Chi phí công đoàn
5 . chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động
6 . chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động
7 . chi trang phục bằng hiện vật
8 . chi trang phục bằng tiền
9 . Chi thưởng sáng kiến, cải tiến
10 . Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép

11 . Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác
12 . trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, cho người lao động
13 . chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động
14 . chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (các Hiệp hội này được thành lập theo quy định của pháp luật)
15 . "chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:
+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.
+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp"
16 . chi tiền điện thoại
17 . Tiền phụ cấp tiền ăn ca
18 . tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn
19 . Phụ cấp xăng xe
20 . Phụ cấp chức vụ, chức danh

21 . Phụ cấp trách nhiệm
22 . Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
23 . Phụ cấp giữ trẻ, nuôi con nhỏ
24 . Phụ cấp thâm niên
25 . Phụ cấp khu vực
26 . Phụ cấp lưu động
27 . Phụ cấp thu hút
28 . Các phụ cấp có tính chất tương tự
29 . chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông
30 . Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.

31 . Chi phí tổ chức khám sức khoẻ thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.
32 . Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai.
33 . Phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp vì lý do khách quan người lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp được trả theo chế độ hiện hành; kể cả trường hợp trả lương theo sản phẩm mà lao động nữ vẫn làm việc trong thời gian không nghỉ theo chế độ.
34 . chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.
35 . sinh nhật của người lao động

Nguồn được lấy từ:
- Thông tư 96/2015/TT-BTC Hướng dẫn về Thuế Thu nhập doanh nghiệp
- Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH
- Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính

Đa số các chi phí trên đều không giới hạn chỉ trừ có một số chi phí là bị không chế như tiền trang phục có tối đa là 5 triệu / người / năm. Vì thế mọi người cứ chế biến thoải mái miễn sao cho thuận con mắt là được. Tất nhiên là phù hợp với thị trường nữa.

Mặc dù đa số các chi phí đều không giới hạn miễn sao tuân thủ 2 điều kiện:
1. được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
2. có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định
nhưng bên Thuế thu nhập cá nhân thì lại khống chế. Không phải muốn nhận thế nào thì nhận. Có một số chi phí tôi đặt ngưỡng nếu vượt quá là tôi sẽ thu thuế thu nhập. Ví dụ như ăn trưa, ăn ca không được quá 680k/ người / tháng.

Nói chung ai đang phải làm hợp đồng lao động nên xem cái bảng này để mở mang thêm đầu óc. Tiện thể tôi cũng muốn nhờ anh chị em, nhất là ai chị em làm trong lĩnh vực kế toán kiểm tra xem bảng tôi làm đã đúng chưa nhé.

Còn đây là linkdownload: http://goo.gl/Rvuxe9

Update 2/9/2018: Những khoản chi phí bị luật Thuế khống chế mức tối đa ( http://blognhansu.net.vn/?p=21021 )

Mức chi bảo hiểm hưu trí và nhân thọ ---------> không vượt quá 3 triệu đồng/người.
Căn cứ: Điều 2 Nghị định 146/2017/NĐ-CP

Update 5/12/2023: Do anh chị em hỏi nhiều nên Cường up file lên đây. Cả nhà đăng ký vào đây tham khảo nhé. Cường sẽ cố gắng cập nhật theo bản update nhất.

Link download: https://bit.ly/bang-chi-phi-luong-hop-ly

4 thoughts on “Phân bổ phụ cấp phúc lợi tối đa là bao nhiêu để hợp lý chi phí tiền lương ?

  1. Dung Nguyễn 09.09.2016 at 10:55 - Reply

    Phần phúc lợi người lao động: chi hiếu hỷ của bản thân và gia đình người lao động, chi nghỉ mát, chi phí đi lại ngày lễ, tết vẫn phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN nhé!

  2. Công văn 3984/TCT-TNCN, ngày 31/08/2016
    Căn cứ: Khoản 2, Điều 2, Thông tin 111/2013/TT-BTC

    Theo đó:

    Trường hợp doanh nghiệp chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động:

    – Phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động

    – Khoản chi hỗ trợ này có hóa đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định

    thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

    Đối với phần hỗ trợ vượt mức chi phí đào tạo thực tế phát sinh thì doanh nghiệp phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

  3. Pingback: Những khoản chi phí bị luật Thuế khống chế mức tối đa | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời Dung Nguyễn Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *