Thủ thuật nghề Nhân sự: đóng dấu hợp đồng lao động như thế nào ?

Có một thủ thuật trong nghề nhân sự về việc đóng dấu mà hẳn ai cũng biết nhưng chả ai nói ra. Tôi vốn tính gàn dở nên hôm nay tôi sẽ nói. Ai chưa biết thì tham khảo. Ai biết rồi thì cho tôi xin một nụ cười tủm tỉm là đực rồi. Cả nhà cho tôi hỏi, sau khi người lao động thử việc thành công, kết quả mĩ mãn, chúng ta sẽ làm hợp đồng lao động. Kiểm tra đi kiểm tra lại, mọi thứ đều kín kẽ, chúng ta sẽ in làm 2 bản cho người lao động ký. Vậy cho tôi hỏi, anh chị em thường cho người lao động ký trước hay công ty sẽ ký đóng dấu trước ?

Chắc hẳn ai cũng bảo để người lao động ký trước rồi mình mới trình duyệt đóng dấu sau. Nguyên nhân là vì: nhỡ mình trình ký trước rồi người lao động người ta không ký thì có mà mắc mệt. Mần ăn làm sao mà cứ để sếp ký đi ký lại hoài. Tôi thì theo mọi người thôi. Đàm phán xong, người lao động ký trước rồi mình mới trình ký sau. Thế còn khi đóng dấu, mọi người đóng dấu vào chữ ký giám đốc và giáp lai luôn nếu hợp đồng có nhiều trang? Người khôn thì sẽ chỉ đóng dấu vào chữ ký giám đốc và hợp đồng lao động bao giờ cũng phải có 2 trang.

Tại sao lại như vậy? Tại vì nhớ có biến thì còn biết đường tính chứ sao nữa. Nếu ai đó chưa hiểu ý tôi, vui lòng hãy đọc tình huống dưới đây:

(Công ty) Làm giả hợp đồng (Lao động) vẫn được xử thắng (kiện)!

Sáng 7-9, trong phiên xử phúc thẩm của TAND TP Đà Nẵng, HĐXX đã giữ nguyên án sơ thẩm, bác yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của Công ty QN Eden. HĐXX cho rằng cả 2 bản HĐLĐ do 2 bên nắm giữ đều có dấu hiệu bị làm giả.

Ông Trần Xuân Mới (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết vào tháng 11-2012, Công ty QN Eden mời ông về làm tổng quản lý khách sạn Eden với thời hạn hợp đồng 12 tháng. Sau hơn 4 tháng làm việc, công ty bất ngờ chấm dứt HĐLĐ, yêu cầu bàn giao công việc mà không hề báo trước và cũng không nêu lý do.

Sau thời gian thương lượng bất thành, tháng 10-2013, ông Mới kiện ra tòa, yêu cầu công ty bồi thường 326 triệu đồng, kèm theo đó là HĐLĐ số 01 do ông Mới nắm giữ. Công ty QN Eden cũng gửi cho TAND quận Hải Châu một bản HĐLĐ không có số. Hai bản HĐLĐ này khác nhau về thời hạn lao động. Bản của ông Mới là 1 năm trong khi bản của công ty chỉ có 4 tháng. Do có sự khác nhau đó, tòa án đã gửi 2 bản hợp đồng đi giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Đà Nẵng.

Kết quả giám định cho rằng hình dấu giáp lai trên HĐLĐ của ông Mới ở trang 1/3 và 3/3 không trùng khớp, còn HĐLĐ của Công ty QN Eden không có dấu hiệu bị làm giả. Không đồng ý với kết luận giám định, ông Mới yêu cầu giám định lại. Thật bất ngờ, Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát của Bộ Công an lại có kết luận hoàn toàn khác. Đó là “trang 1/3 của HĐLĐ số 01 đã bị thay thế, tuy nhiên hình dấu giáp lai không bị giả mạo, do cùng một con dấu đóng ra”. Còn “HĐLĐ không số của Công ty QN Eden đã bị thay các trang 1/3 và 2/3”.

Cũng theo kết luận của Viện Khoa học hình sự, hình dấu giáp lai trên cả 3 trang hợp đồng của ông Mới đều đồng nhất, không bị giả mạo. Con dấu do phía Công ty QN Eden nắm giữ, bảo quản, cho nên khó có thể xảy ra việc ông Mới cố tình làm giả giấy tờ. Thế nhưng, trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 4-2016, TAND quận Hải Châu chỉ sử dụng kết quả giám định lần đầu để khẳng định HĐLĐ số 01 của ông Mới là không có cơ sở và bác yêu cầu đòi bồi thường.

lam gia hop dong

Trong phiên xử phúc thẩm sáng 7-9, đại diện Công ty QN Eden không trả lời được những vấn đề mà HĐXX đặt ra. Đơn cử như HĐLĐ không số của công ty quy định thời hạn làm việc của ông Mới là ngày 1-4-2013. Thế nhưng 6 ngày trước đó, HĐQT công ty đã tổ chức một cuộc họp vận động ông Mới từ chức. “Nếu thời hạn hợp đồng như vậy thì hà cớ gì công ty phải tổ chức một cuộc họp để vận động từ chức rồi 6 ngày sau trao quyết định thôi việc khi hết hạn hợp đồng” - HĐXX nêu vấn đề. Chưa hết, ở trang 1/3 của HĐLĐ không số ghi thời hạn hợp đồng từ 14-11- 2012 đến 31-3-2013 (hơn 4 tháng) nhưng ở trang 2/3 về Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động lại ghi thời hạn 3 tháng. Đồng thời, bản HĐLĐ của ông Mới có số, trong khi bản của công ty nắm giữ lại không có số, điều này đại diện của công ty cũng không giải thích được...

Dù vậy, HĐXX vẫn bỏ qua những tình tiết trên để nhận định cả 2 bản HĐLĐ đều đã bị thay đổi. Từ đó bác kháng cáo của ông Mới, gây thiệt thòi cho người lao động.

Bài và ảnh: Quang Quý - Báo Người Lao Động Điện tử

Hẳn anh chị em nhà ta đã hiểu. Trong tình huống này:
- Hợp đồng của ông Mới: lúc đầu trước khi đóng dấu hợp đồng lao động, có thể công ty phát hiện lỗi sai gì đó của hợp đồng ở trang 1 nên gỡ ra, in mới vào thay vào. Thay xong thì đóng dấu giáp lai. Việc thay này bình thường vì có thể xảy ra sai sót. Không biết ông Mới có biết không ? Nhưng nếu đã cầm hợp đồng và không phản hồi gì lúc đó thì coi như đã biết. Ở đây, người lao động hay thiệt thòi vì không phải ai cũng kỹ tính và để ý hết mọi thứ nên có thể công ty đã thay một trang nào đó mà họ không biết.
- Hợp đồng của công ty QN Eden: lúc đầu có thể hợp đồng giống như của ông Mới. Sau khi xảy ra chuyện thì công ty mới gỡ trang 1 và trang 2 ra. Rồi thay 2 trang với nội dung mới vào cùng trang 3 còn lại. Trang 3 vẫn là trang của hợp đồng lúc đầu. Sau đó thì đóng dấu giáp lai. Ở đây chúng ta có thể thấy là dường như công ty đã không đóng dấu bản hợp đồng còn lại. Bản công ty giữ. Và khi xảy ra việc thì bắt đầu chỉnh sửa và đóng dấu. Hoặc công ty đã làm thế nào đó để dấu giáp lai trang 3 trùng 2 trang mới.

Logic lại, tôi có thể suy ra: ban đầu công ty in 2 bản hợp đồng lao động giống nhau đưa cho ông Mới ký. Sau đó đọc lại thì phát hiện hợp đồng ở trang 1 có lỗi sai nên in lại trang và thay thế. Xong rồi đóng dấu. Bản đưa cho ông Mới (người lao động) thì có đóng dấu chữ ký giám đốc và giáp lai. Còn bản của công ty giữ thì không đóng dấu.

Rút kinh nghiệm:
- Đối với HR: Hãy làm như công ty QN Eden. Tôi không khuyến khích làm điều này. Thực lòng tôi không thích vậy.
- Đối với người lao động: Hãy tỉnh táo, đọc kỹ, lưu, ghi nhớ, chụp ảnh và nhất là phải ký nháy vào các mặt của hợp đồng lao động.

One thought on “Thủ thuật nghề Nhân sự: đóng dấu hợp đồng lao động như thế nào ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *