Có nên nghỉ việc khi làm hiệu quả mà sếp không chịu tăng lương

2 bài viết này trên Vnexpress hợp với nhau nên tôi đưa về làm 1. Không biết mọi người có góp ý tư vấn gì cho họ không nhỉ ? : )

Tôi vào công ty được 5 tháng, rất yêu thích công việc của mình dù đang phải kiêm nhiệm 3 việc một lúc. Đồng nghiệp yêu quý tôi vì tôi hay giúp đỡ mọi người và làm việc hiệu quả. Cái dại của tôi là khi mới vào làm việc, thay vì đề nghị một mức lương thương lượng, tôi lại đưa ra yêu cầu của mình, xui rủi mặt bằng lương của công ty khá cao nên tôi bị áp một mức lương thấp so với mọi người, dù công việc nhiều hơn hẳn. Thật lòng mà nói, so với các công ty khác thu nhập của tôi có thể gọi là khá, vì vậy tôi cố gắng làm việc tích cực và hy vọng vào việc sếp sẽ điều chỉnh lương khi thấy cách làm việc của tôi hiệu quả như thế nào sau 2 tháng thử việc. Sếp yêu cầu tôi hỗ trợ từ việc nhỏ đến lớn, hỏi ý kiến tư vấn của tôi, giao cho tôi giải quyết nhiều việc quan trọng nhưng chẳng bao giờ hỏi tôi có cần gì để sếp hỗ trợ.

Tôi thỉnh thoảng đề cập với sếp về việc điều chỉnh lương dù chưa chính thức. Sếp cũng ậm ừ bảo sẽ xem xét, còn tôi chờ ngày lành tháng tốt để đặt vấn đề trực tiếp. Hôm qua tôi vừa có cuộc trò chuyện thẳng thắn với sếp, sếp công nhận tôi làm việc chăm chỉ, kỷ luật tốt, hiệu quả cao nhưng nhất định không điều chỉnh lương vì chưa tới đợt, mà đợt tăng lương sẽ chỉ đến sau 6 tháng nữa. Tôi tự hỏi lúc ấy liệu sếp có tăng lương cho tôi không hay lại điều chỉnh thôi rồi sẽ kéo dài thời gian để tôi tiếp tục cố gắng mòn mỏi như thế này? Tôi vừa muốn tiếp tục làm việc tại đây vì yêu thích công việc này, nhưng cách sếp cư xử khiến tôi có cảm giác như mình đang bị lợi dụng và hoàn toàn thiếu công bằng vì lỡ chấp nhận một mức lương quá thấp trong công ty. Đồng nghiệp không biết lương của tôi, nhưng tôi biết lương của họ để rồi so sánh và im lặng, còn họ suýt xoa sao tôi chăm chỉ quá.

Tôi có nên nghỉ việc để tìm kiếm một cơ hội khác công bằng hơn với mình hay tiếp tục chịu đựng để đến ngày nào đó sếp sẽ thấy tôi đem lại nhiều lợi ích như thế nào cho công ty mà suy nghĩ lại? Nếu tôi nghỉ việc, chưa chắc tìm được công việc mà yêu thích như thế này, lương cũng chưa chắc bằng; còn nếu tiếp tục tôi sẽ thấy mình thiệt thòi so với các đồng nghiệp, khó duy trì được sự cố gắng. Theo tìm hiểu của tôi, những người được tuyển dụng vào công ty đều là những người đưa ra mức lương ban đầu khá cao và họ được nhận gần đúng với mức lương đó. Những người khác yêu cầu mức lương thấp thì phần lớn đều ra đi. Các bạn có thể tư vấn giúp tôi được không. Tôi nên ở lại hay ra đi?

hoangmangtimviec

Hoàng

Trả lời: Tôi đã nghỉ việc khi không được công nhận năng lực

Tôi gắn bó với công ty này được hơn 5 năm và mức thu thập hiện nay công ty trả bao gồm tiền lương hàng tháng, tiền bảo hiểm, tiền thưởng cuối năm và nghỉ lễ, tính ra tôi cũng được tầm 10 triệu/tháng. Mức thu nhập này so với công việc có thời gian không bị gò bó, khối lượng thấp thì nhiều bạn, nhất là bạn nữ có gia đình như tôi sẽ bằng lòng không dám từ bỏ. Nhưng tôi đã từ bỏ, vì sao?

1. Đi công tác nhiều. Theo kế hoạch của công ty thì tôi sẽ đi công tác liên tục, cơ hội đi về trong ngày là rất thấp trong khi tôi còn có một gia đình chăm sóc. Đưa ra lý do này chắc nhiều bạn sẽ khuyên can là hãy trình bày với sếp để sắp xếp lại công việc phù hợp cho mình. Vâng, công ty tôi cũng sẽ tạo điều kiện nếu tôi từ chối công việc này, nhưng như vậy tôi sẽ khó làm việc về sau, chưa kể cuối năm xét là không hoàn thành nhiệm vụ, không được tăng lương.

2. Không được công nhận năng lực làm việc. Trong 5 năm làm việc, nhiều lần tôi muốn từ bỏ nhưng lúc nào cũng nghĩ sắp lập gia đình rồi sẽ khó tìm được chỗ làm nào thoải mái thời gian như ở đây. Thế là, tôi cứ chần chừ nghĩ để rồi giờ thấy bỏ lỡ nhiều cơ hội quá. Làm việc ở công ty cũ tôi không chê điều gì về chế độ xã hội nhưng về mặt chuyên môn lúc nào nhân viên cũng bị sếp nói là không làm được dù mình cố gắng lắm rồi, không có câu nào khích lệ của sếp, hoặc có thể với khách hàng thì mình làm được đó nhưng với sếp thì không. Nhiều lần bị chê như vậy, tôi cũng như các bạn nhân viên ở đây lần lượt chán công việc chuyên môn, thường nói chuyện với nhau “thôi làm việc cho xong đi, cố làm rồi cũng cũng bị sếp chê và viết lại hết báo cáo theo ý sếp”. Nói thế này để các bạn biết rằng, khi việc mình làm không được cấp trên công nhận sẽ dẫn đến nản lắm.

3. Không thấy cơ hội phát triển. Thời gian làm việc ở đây đủ dài để tôi nhận ra, công ty chưa có mục tiêu để phát triển rõ rệt, chưa có hướng đi cụ thể, công ty cứ nhỏ mãi và càng ngày càng đi xuống (nhận xét cá nhân của tôi). Điều này khiến cho tôi mất niềm tin ở nơi này và muốn ra đi. Lúc thì sếp muốn làm cái A, lúc thì làm cái B, cái C, cái nào thì cái nhưng chưa thấy sự quyết tâm của sếp để những nhân viên như tôi dồn tâm dồn sức để làm. 5 năm qua, tôi cống hiến và làm việc theo yêu cầu của sếp nhưng nhận thấy chuyên môn của mình càng ngày càng giảm, phải tìm cách ra đi không thì chữ trả lại thầy hết.

Tôi viết ra những tâm sự này mong chia sẻ với các bạn để đừng bỏ lỡ các cơ hội khác. Khi nhận thấy “không được công nhận năng lực làm việc” và “không thấy cơ hội phát triển” thì hãy quyết tâm ra đi nhé.

Khuyên
Nguồn: Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *