Giờ bị sa thải, nghỉ việc không đúng luật là không được trợ cấp thôi việc theo HĐLĐ gần nhất

Sau khi gửi cho mọi người bài chia sẻ về nội dung Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH trong Thời gian trả lương, tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản thu nhập bổ sung theo luật năm 2016 ( http://goo.gl/wy4LqZ ) thì tôi nhận được mail chia sẻ của anh Đức:

"bạn ơi có 1 điểm thay đổi khá lớn nữa cũng nên tổng hợp đó là chi trả trợ cấp thôi việc đối với người giao kết nhiều hợp đồng ấy. theo thông tư 47 này, sẽ có những người làm trước 2009 với hđ ko xác định thời hạn mà nghỉ việc trái pháp luật hoặc sa thải thì thời gian làm việc theo hđ cuối ko được tính trợ cấp thì ảnh hưởng lớn đến nlđ

Lê Anh Đức "

Đọc kỹ lại tôi thấy có 1 vài suy nghĩ muốn gửi tới anh chị em. Ai là fan của blog nhân sự và chịu khó đọc bài viết thường xuyên sẽ thấy 2 bài này:

- Bài 1: Nghỉ việc (thôi việc) không đúng luật (không đúng lý do, không báo trước đủ số ngày) thì bị gì ? ( http://goo.gl/s5seRd )
- Bài 2 update: Nghỉ việc (thôi việc) không đúng luật (không đúng lý do, không báo trước đủ số ngày) thì bị gì – update 2015? ( http://goo.gl/Irvt5h )

Tóm tắt qua 2 bài như sau: Bài 1 tôi đưa ra 1 loạt những hình phạt khi nghị việc không đúng luật và có đưa ra 1 câu hỏi lớn : BỊ SA THẢI thì không bị sao nhưng XIN NGHỈ VIỆC TRÁI LUẬT (nghỉ trước ngày, không đúng lý do) thì lại dính đủ thứ chế tài. Bài 2 thì chỉ update thêm chế tài cho nghỉ việc trái luật là không được hưởng BHTN.

Trở lại thực tế, có thể có nhà làm luật nào đó đã ghé ngang qua blog và bắt gặp câu hỏi của tôi ( tôi cứ nhận vơ thế ). Họ bắt đầu suy nghĩ sâu hơn tới vấn đề này. Và họ nhận ra rằng người lao động xin nghỉ việc trái luật bị thiệt đơn thiệt kép và người bị sa thải thì lợi nhiều đường. Cuối cùng họ đưa ra chế tài để điều chỉnh vấn đề vừa rồi. Chế tài đó nằm ở thông tư vừa mới ban hành: Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH

Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

1. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

2. Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo Khoản 1 Điều này trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A làm việc liên tục theo ba hợp đồng lao động tại công ty B; hợp đồng lao động thứ nhất có thời hạn 12 tháng, được thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2004 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2004 (01 năm); hợp đồng lao động thứ hai có thời hạn 36 tháng, được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2007 (03 năm); hợp đồng lao động thứ ba không xác định thời hạn, được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 (08 năm) thì bà A đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Bà A được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 (07 năm). Tiền lương bình quân theo Khoản 1 Điều này trước khi Bà A chấm dứt hợp đồng lao động thứ ba là 4.500.000 đồng/tháng.

Do hợp đồng lao động thứ ba (hợp đồng lao động không xác định thời hạn) bà A đơn phương chấm dứt trái pháp luật, nên thời gian bà A làm việc theo hợp đồng lao động thứ ba (08 năm) không được tính hưởng trợ cấp thôi việc. Trợ cấp thôi việc đối với bà A được tính như sau:

- Thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc của bà A đối với 02 hợp đồng trước là: 01 năm + 03 năm = 04 năm (từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2007);

- Số tiền công ty B chi trả trợ cấp thôi việc cho bà A là: 04 năm x 4.500.000 đồng/tháng x 1/2 = 9.000.000 đồng.

3. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp một lần trước khi phục viên, trợ cấp xuất ngũ đối với người lao động có thời gian làm việc ở đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 bao gồm: thời gian người lao động làm việc thực tế tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thời gian làm việc tại doanh nghiệp nhà nước khác.

4. Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dưới 18 tháng thì trợ cấp mất việc làm của người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn C làm việc tại công ty D từ ngày 01 tháng 9 năm 2007, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, do thay đổi công nghệ sản xuất Công ty không thể bố trí được việc làm cho ông C và phải chấm dứt hợp đồng lao động. Ông C được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 (07 năm). Tiền lương bình quân theo Khoản 1 Điều này trước ông C mất việc làm là 4.500.000 đồng/tháng. Trợ cấp mất việc làm đối với ông C được tính như sau:

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là: 08 năm 04 tháng - 07 năm = 01 năm 04 tháng (16 tháng).

- Số tiền Công ty D chi trả trợ cấp mất việc làm cho ông C ít nhất bằng 02 tháng tiền lương (4.500.000 đồng/tháng x 2 = 9.000.000 đồng).

5. Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ví dụ 3: Ông Nguyễn Thành H làm việc cho công ty P từ ngày 01 tháng 6 năm 2002. Năm 2006, công ty P sáp nhập với công ty Q thành công ty PQ và chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 10 năm 2006; ông H tiếp tục làm việc tại công ty PQ cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì ông H phải thôi việc do công ty PQ thay đổi cơ cấu tổ chức. Ông H được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 (07 năm). Tiền lương bình quân theo Khoản 1 Điều này trước khi ông H mất việc làm tại công ty PQ là 5.400.000 đồng/tháng. Trợ cấp mất việc làm đối với ông H được tính như sau:

- Thời gian làm việc thực tế của ông H tại công ty P là 04 năm 04 tháng; tại công ty PQ là 9 năm 03 tháng. Tổng thời gian làm việc thực tế là: 13 năm 07 tháng;
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là: 13 năm 07 tháng - 07 năm = 06 năm 07 tháng, làm tròn thành 07 năm;
- Số tiền công ty PQ chi trả trợ cấp mất việc làm đối với ông H là 07 năm x 5.400.000 đồng/tháng = 37.800.000 đồng.

Ai muốn xem full thông tư vui lòng vào: http://goo.gl/8nWYAe . Đọc điều số 8 ở trên chúng ta đã rõ, giờ BỊ SA THẢI thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên thông tư lại chua câu này: "Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc." Mọi người cứ đọc kỹ sẽ rõ. Còn chờ gì nữa hỡi giới cần lao, chúng ta không đồng loạt cùng yêu cầu giới chủ ký lại hợp đồng để cắt lỗ : 0 Chú ý, cắt lỗ chỉ dành cho ai đi làm trước 2009 hoặc đi làm sau nhưng có thời điểm không được đóng Bảo hiểm thất nghiệp nhé.

Chốt đi chốt lại, đối tượng xin nghỉ việc trái luật thì được lỏng hơn 1 chút (chủ yếu dành cho những người làm việc lâu năm, đi làm từ trước 2009), đối tượng bị sai thải thì bị thắt chặt hơn 1 chút (bị mất trợ cấp thôi việc 1 phần). Dù vậy, giới cần lao nghiêm túc (xin nghỉ việc nhưng trái luật) vẫn còn bị thiệt nhiều lắm. Vì thế ai định có ý định xin nghỉ việc mà không muốn trái luật (nghỉ trước số ngày quy định, lý do không đúng) thì đọc thêm mấy bài viết tôi đưa link ở trên cũng như bài này:

- Chú ý viết lý do xin nghỉ việc cẩn thận kẻo mắc oan ( http://goo.gl/jbU2nu )
- Luật lao động giờ gần như cấm nhân viên nhảy việc theo cách chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật – update 2015 về lý do xin nghỉ việc ( http://goo.gl/rXJ22m )

Luật giờ lớp lớp lang lang, ảo diệu vô cùng, trong 1 điều còn vô số điều. Trong vô số điều lại có điều này sửa đổi cho điều kia. Hi vọng mọi người đọc hết các link tôi dẫn ra để thấy cái vui cái thú khi bay lượn trong thế giớ mang tên luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *