Văn hóa nói tục, chửi thề ở doanh nghiệp và bài viết “Nói tục chửi bậy thì đã sao của FPT”

Đợt trước, chắc là từ năm ngoái, tôi có được đọc 1 đoạn trao đổi trên facebook giữa anh Phan Phuong Dat và 1 số bạn cũng như anh chị xung quanh bài viết: "Nói tục chửi bậy thì đã sao" trên chungta.vn. Do những người comment đều là người làm trong FPT nên các comment đều đi theo chiều hướng ủng hộ, vui vẻ. Tôi lúc đó hơi lạ về bài viết và cũng không đồng tình lắm nhưng nghĩ chắc đây là văn hóa FPT và mình cũng chưa đủ lý lẽ để vào comment. Cho đến hôm nay đọc được thêm 1 bài nói về Văn hóa chủi bậy. Thế là có bài viết này để mọi người cùng đọc. Trước hết, thân mời mọi người cùng đọc bài mà các anh chị và các bạn FPT tán đồng.

Nói tục chửi bậy thì đã sao

Hôm trước mình ngồi quán nước, cạnh hai chị ăn mặc cũng bình thường, ước chừng dân buôn bán thôi, cũng chẳng để ý gì đâu, nhưng thấy hai người nói chuyện với nhau mà câu nào cũng chêm vài từ tục tĩu vào.

Mức độ thì cũng nhẹ thôi, không có gì là gay gắt cả, mình cũng chỉ mỉm cười như đó là chuyện bình thường ở huyện. Rồi thấy một chị quay sang bảo: “Đcm, nó đối xử với bà già thế đấy! Đến tội bà già! Con cái đ. gì mà đối xử với mẹ thế!”. Câu chuyện còn dài, nhưng nghe câu ấy thôi mà mình bỗng thấy dịu lòng đến tệ.

Phải rồi, nói tục chửi bậy thì có làm sao? Có những người khẩu xà nhưng tâm phật, còn hơn lắm kẻ miệng thì thơn thớt mà bụng một bồ dao găm. Như kẻ chửi vung cả làng Vũ Đại ấy, cũng là một kẻ mong muốn được lương thiện kia mà!

Rất lâu rồi, khi còn nhỏ, có lần mình đi xe đạp trong ngõ, bỗng một thằng bé con tầm 3-4 tuổi chạy băng qua và quệt vào. Thằng bé con không bị ngã, nhưng nó đau, ôm đầu khóc. Mình đã định xuống xe xin lỗi thằng bé và vỗ về nó. Nhưng nó vừa khóc vừa gào lên: “Đmm!”. Mình sửng sốt không nói nên lời, đứng sững lại mấy giây rồi mình im lặng bỏ đi. Sau này lớn hơn, mình mới thấy trẻ con vô tội, nó suốt ngày nghe xung quanh nói tục thì nó cũng bắt chước thôi.

Đôi khi, chửi bậy cũng là một cách rất tốt để xả stress nữa ấy chứ! Và chửi thì chửi thẳng thắn đi, có thể sẽ làm người bị chửi tổn thương, nhưng nếu chẳng ảnh hưởng tới mình hay người thân mình thì cứ chửi đi! Mà có khi, cái sự chửi thẳng thắn đó sẽ đem người với người tới gần nhau hơn, phải không nhỉ?

À mà đấy, nhắc tới mới nhớ, có một câu nói trở thành huyền thoại của một lãnh đạo “lãng mạn” nhất nhì FPT. Nhắc tới anh, đa số mọi người sẽ nhớ tới câu "mắng" của anh giữa buổi họp lãnh đạo cấp cao của tập đoàn: “Các anh ngu bỏ mẹ!".

Hoàng Ngọc Ánh | chungta.vn


Và đây là bài phân tích về vấn đề này:

CHỬI THỀ - VĂN HÓA MỚI CỦA DOANH NGHIỆP ?

Có một cuộc tranh cãi trái chiều về chủ đề liệu rằng việc sử dụng tràn lan ngôn ngữ thô tục, như là chửi thề, nói tục, nói kiểu báng bổ, có giúp văn hóa doanh nghiệp trở nên vững mạnh hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn không mấy hay ho đó là: nếu việc sử dụng ngôn ngữ thô tục giúp doanh nghiệp đạt được thành công thì tinh thần doanh nghiêp đó chắc chắn sẽ hơn cả một “thành lũy” của con người; nhưng nếu sự thô tục không làm tăng cơ hội thành công, thì việc đề xuất ý tưởng này là rất sai lầm.

Cuộc tranh cãi này bắt nguồn từ sự hấp dẫn bởi mô hình doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon và khả năng kiếm cả núi tiền một cách nhanh chóng của nó (chắc đang nói đến FPT, CMC - kc thêm). Và cuộc chạy đua giàu sang không nghi ngờ gì là một cuộc đua rất căng thẳng, nó gây ra nhiều cảm xúc mạnh và cũng đặt ra rủi ro đáng sợ cho những ai tham gia. Và những nghiên cứu về chửi thề cho thấy rằng hành vi này đem lại lợi ích cho một số người.

CƠ CHẾ GIẢI TỎA.

Về mặt sinh lý, chửi thề được thừa nhận rộng rãi là sự giải tỏa cảm xúc, tạm thời làm giảm áp lực, căng thẳng và cả nỗi đau. Về mặt tâm lý, một số người chửi thề để thể hiện bức xúc của mình. Các nhà khoa học xã hội đã lưu ý rằng thanh thiếu niên, chủ yếu là bé trai, văng tục và chửi thề như một dấu hiệu của sự nổi loạn ngôn ngữ với mong muốn tách ra khỏi gia đình của mình. Việc văng tục cũng thể hiện vị thế trong một nhóm, bởi người đầu tiên văng tục hay người văng tục nhiều nhất thường là người nắm giữ thứ bậc cao hơn.

Có một lập luận đáng tin cậy rằng việc tự do văng tục có thể tạo nên sự gắn kết giữa các nhóm có thành viên với cùng tính cách nổi loạn. Các nhóm này sẽ gắn bó hơn bởi trong môi trường căng thẳng cao độ, họ có chung cách giải tỏa đó là bằng cách chửi thề. Nghe có vẻ kiểu văn hóa này có sức mạnh thật lớn lao nhỉ.

Nhưng trước khi cho rằng chửi thề là hay, chúng ta hãy xem xét mặt trái của nó.

MẶT TRÁI CỦA NHỮNG LỜI LẼ THÔ TỤC.

Như hầu hết chúng ta đã trải qua, chửi thề là cách thể hiển quyền uy một cách hung hăng và thường mang sắc thái tục tĩu. Tất nhiên, để đạt được mục đích thị uy còn có những từ ngữ và kỹ thuật thao túng khác. Thế nhưng do những lời lẽ thô tục không chỉ thể hiện thứ bậc mà còn giúp giải tỏa cảm xúc nên chúng đã trở thành một cách rất phổ biến khi ai đó muốn người khác phải chấp nhận điều gì hoặc muốn làm theo ý mình.

Mặt khác, một số người, trong đó có nhiều phụ nữ, cảm thấy bị xúc phạm bởi những từ ngữ tục tĩu. Và nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng con người nghĩ ngợi nhiều về những từ thô tục họ nghe thấy, trong đó có từ chửi thề ở mức độ nhẹ mà tôi dùng ở trên. Nhưng sẽ là thiếu thành thật nếu giả vờ lắng nghe những người thường xuyên văng tục. Nhiều người sẽ lựa chọn cách không dây dưa gì với những người như vậy, và thậm chí tẩy chay kiểu người này theo bản năng.

HẬU QUẢ TIỀM ẨN.

Đối với các công ty thường xuyên phải tương tác trực tiếp với khách hàng, họ sẽ không bao giờ muốn sử dụng những từ chửi thề hoặc thô tục để tạo nên một môi trường làm việc khắc nghiệt bởi những lời lẽ thô tục này. Bởi vì khi vô tình nói ra, họ có thể xúc phạm khách hàng. Chửi thề một cách thoải mái hoặc thường xuyên đều không được khuyến khích trong nhiều công ty lớn bởi họ muốn xây dựng một văn hóa toàn diện, thậm chí nếu điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ những người không kiểm soát được lời nói thô tục của mình. Một văn hóa có khả năng lan rộng cần phải thu hút tất cả những ai có năng lực chứ không chỉ là những người đàn ông mạnh miệng.

Cuối cùng, văn hóa thô tục khiến quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo trở nên khó khăn hơn. Khi phụ trách một môi trường mà sự thô tục đã được thiết lập từ trước, người lãnh đạo mới phải tạo những ám thị vị thế mới, và chúng có nhiều khả năng sẽ trung tính hơn. Điều này có thể tốn rất nhiều thời gian và chi phí, đó là chưa kể đến sự suy yếu trong khả năng cạnh tranh của công ty.

Có nhiều phương pháp khác để tạo ra văn hóa cường độ cao với cách thức giải tỏa căng thẳng có sẵn. Một phương pháp tốt nhất, được Pixar và những công ty khác sử dụng, đó là xây dựng văn hóa công ty dựa trên những kỳ vọng, nơi mà việc yêu cầu giúp đỡ được coi là bình thường, chứ không phải một điểm yếu của ai đó.

Kỳ vọng cao có nghĩa là thiết lập mục tiêu cho mỗi nhân viên, và những mục tiêu đó luôn là một chặng đường dài phấn đấu với những kỹ năng và nguồn lực vốn có - tuy nhiên chính khả năng lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc phòng ban mới giúp các nhân viên đạt được mục tiêu cao đó. Do không có dự án hoặc hoạt động nào luôn đi đúng hướng như kế hoạch, các nhà lãnh đạo trong môi trường văn hóa này mong muốn nhân viên của họ yêu cầu được giúp đỡ và nhận sự giúp đỡ từ những người khác. Nếu một kỳ vọng được đặt quá cao thì người giám sát có trách nhiệm đảm bảo nhân viên của mình sẽ tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ. Nhân viên có chửi thề một mình trong quá trình làm việc hay không không quan trọng trong môi trường văn hóa này. Do đó, văn hóa doanh nghiệp của Pixar thu hút và giữ chân được những nhân tài đẳng cấp thế giới, ngay cả khi công ty này ngày một mở rộng.

Sử dụng lời lẽ thô tục chắc chắn là một trong những cách để người lãnh đạo tạo nên sự tập trung cao độ trong công ty đồng thời giải tỏa bức xúc. Nhưng một nền văn hóa thô tục sẽ không được áp dụng rộng rãi, và nó cũng rất khó để lan tỏa hoặc chuyển nhượng. Và không có bằng chứng nào cho thấy văn hóa thô tục có thể thu hút thêm được những người tài giỏi, tận tụy hơn.

Những doanh nhân áp dụng kiểu văn hóa thô tục thường là người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm hoặc những người không có kế hoạch ứng phó giải quyết vấn đề. Nhiều người trong số họ được tin là có thể đem lại lợi nhuận cao cho công ty, nhưng không thể tạo ra được khả năng mở rộng lâu dài của doanh nghiệp. Và ngay cả trong giai đoạn mới khởi nghiệp, kiểu văn hóa đặt ra kỳ vọng cao sẽ có hiệu quả hơn so với kiểu văn hóa thô tục.

ST

Đây là đoạn các Hr trao đổi với nhau:

Lời bàn của tôi: Như từ đầu tôi viết, có thể đó là văn hóa của FPT. Và họ tự hào với những điều như vậy. Nhưng tự hào và công khai thì tôi thấy hơi quá. Bài viết này cho vào chỗ nào đó tếu táo, vui vui, chia sẻ cá nhân thì sẽ đỡ hơn nhiều so với việc đưa nó lên chungta.vn . Khi người ta nói : "nói tục chửi bậy thì có làm sao?", trong đầu tôi nghĩ ngay tới bố mẹ họ và cả những người bạn của họ. Chắc những người này cũng nói "nói tục chửi bậy thì có làm sao?"

7 thoughts on “Văn hóa nói tục, chửi thề ở doanh nghiệp và bài viết “Nói tục chửi bậy thì đã sao của FPT”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *