Tâm sự của 1 Nhân sự (Hr) làm tại nhà máy

Sau khi đăng bài viết: http://blognhansu.net/2014/08/24/tieu-chi-tuyen-dung-phai-co-chai-tay-moi-duoc-lam-cong-nhan/, tôi nhận được một email tâm sự chuyện đời chuyện nghề của 1 bạn làm Nhân sự tại Nhà máy dệt may. Sau khi được sự đồng ý của bạn về việc đưa tâm sự này tới mọi người, tôi liền đưa lên đây. Hi vọng mọi người đọc và hiểu được nỗi niềm của các anh chị em làm việc trong phòng Nhân sự tại các nhà máy. Còn các bạn chuẩn bị vào nghề có cái nhìn hình dung các công việc, các ứng viên và nhân viên thì cảm thông.

***


Dear anh Cường và cả nhà,

Em vừa đọc xong bài viết về tuyển công nhân trên blog của anh. Đúng là thời buổi người nhiều việc ít, chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cần.

Em làm tuyển dụng ở một công ty may xuất khẩu gần 5 năm nay, và em có một kết luận cảm tính tạm thời là sinh viên, cử nhân ra trường 2 năm trở lại đây làm công nhân nhiều quá.

Có đôi khi, phỏng vấn công nhân, các bạn ấy dấu nhẹm bằng đi, chỉ mang bằng cấp 2 hoặc bằng cấp 3. Thậm chí các bạn rất cẩn thận viết trong phần lý lịch công tác của sơ yếu lí lịch là lao động phổ thông. Rõ khổ. Thời gian lao động phổ thông của các bạn ấy tương đối trùng khớp với lượng thời gian học Đại học, cao đẳng. Em nghĩ đâu trách các bạn ấy được. Tìm việc và kiếm tiền mà. Đâu phải ai ra trường cũng tìm được việc đúng ngành ngay đâu.

Lại còn có bạn rất cẩn thận nói rõ ràng từ năm A đến năm B em làm ở nhà hàng, làm ở quán cơm,.... vẫn dấu nhẹm thời gian học Đại học đi. Nhưng hỏi thêm em ơi lương lậu thế nào, thời gian làm việc ra sao, vẫn bị bắt thóp, có ai làm toàn thời gian lương 1 triệu rưỡi, hai triệu đâu. Sinh viên làm thêm thì mới có mức thù lao ấy.

Và em nghĩ chắc do ảo giác (mà ảo giác em nghiệm đúng tới 80% trong các trường hợp), các bạn sinh viên ra trường trên người luôn có khí chất sách vở.^_^, hiếm khi lẫn lộn giữa những bạn đi làm chịu khó mặc đẹp với sinh viên mới ra trường. Có lẽ cái phảng phất của các bạn ấy nó như cảm giác được bao bọc, sạch sẽ, gọn gàng, chưa nhiều va chạm nên nó thế chăng. Nên nhiều khi hỏi tên em ấy xong, hỏi thẳng luôn em học trường nào ra, lại thật thà nói em học trường ABC dù sửa sơ yếu lí lịch kỹ lắm.

Và có qua được vòng phỏng vấn "gửi xe đạp", cũng chưa chắc các bạn làm việc được lâu. Ở công ty em đang làm việc, nếu chịu được khó, chịu được khổ thì vẫn linh động nhận các bạn vào (dù biết tỏng đó là sinh viên mới ra trường). Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, dù làm công nhân đi nữa vẫn phải hướng dẫn, đào tạo từ đầu. Được một thời gian các bạn chán nản. Nhiều bạn không chịu nổi áp lực khi các công nhân khác trong bộ phận biết được mình đã từng học đại học, cao đẳng ra, họ hỏi bâng quơ thôi "em học thế ra làm công nhân làm gì", "Nó học đại học ra cũng chỉ bằng đứa học hết cấp 2, cấp 3, có khi làm còn chậm hơn". Công nhân cũng có bon chen, cạnh tranh mà.

Quyết tâm kiếm tiền to đùng, nghe vài lời như thế nhiều bạn nản, rồi bỏ. Nhiều lúc em thấy khó xử, cho các bạn cơ hội, bạn nào cũng quyết tâm rồi sau một tuần lên phòng nhân sự nói rất thật thà "chị ơi, cho em rút hồ sơ". Nhưng cũng không trách các bạn, đầu óc toàn kiến thức, sách vở, làm việc chân tay đâm khó cho các bạn ấy. Chỉ dám rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

Nói cho cùng, làm công nhân khổ, chạy theo sản lượng, chạy theo năng suất, tăng ca giãn giờ, làm sai bị mắng, đá xéo, áp lực từ tổ trưởng, quản lý, cách cư xử khi làm trong chuyền, nhiều khi lỗi chả phải của bản thân công nhân, do tổ trưởng hoặc quản lý chẳng hạn, nhưng cuối cùng người công nhân lại chịu thiệt thòi. Haiz. Mà cũng như ai, ở nhà vẫn chạy công việc của người mẹ, người vợ, người chồng, người cha. Thế nên làm nhân sự có lúc phải đấu tranh đảm bảo quyền lợi cho họ. Không thì lại điệp khúc nhảy việc, chỗ nào tốt hơn một tí thì người ta lại nhảy việc. Xét đến tận cùng thì chủ doanh nghiệp thiệt hại.

Chúng em - những nhấn sự nhà máy vẫn theo dõi các thông tin về cập nhật luật mới, về tình hình nhân sự, về lương lậu, về y tế, và về các cuộc đình công trên mạng, khi đọc những thông tin như đình công do suất ăn không đảm bảo, do phân biệt đối xử, quản lý nước ngoài chửi bới công nhân, do nhà máy không trả tiền tăng ca thêm giờ cho người lao động,... và các bài báo quy lỗi cho bộ phận nhân sự (Personnel) không biết tư vấn cho lãnh đạo, nhân sự không biết thiệt thòi... Đọc xong, phản ứng đầu tiên của chúng em - HR nhà máy - là đồng tình. Vì những điều đó hoàn toàn đúng. Nhân sự nhà máy mà để xảy ra như vậy là chưa làm hết chức năng, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, khả năng thu hút lao động về lâu dài sẽ bị giảm, hình ảnh nhà máy trở nên xấu xí.

Nhưng nghĩ lại, thực sự thì thế nào? Đã là nhân sự thì luật lá là phải biết, không biết tức khắc do nhu cầu công việc hằng ngày cũng phải tìm hiểu, nói nhân sự không biết tư vấn còn mang tính cảm quan. Người ngoài nhìn vào mà. Nhân sự nhà máy tư vấn cho sếp, hay nói đúng hơn là khả năng xin xỏ hơi bị cao. Xin 10 lần được 5 lần là thấy mừng. Họ - nhân sự nhà máy cũng là người lao động, cũng có công việc của riêng họ, cũng tư vấn, giám sát như ai, xây dựng thang lương, tiến hành đào tạo, giải đáp các thắc mắc hằng ngày, chưa kể chấm công, tính lương, thanh toán chế độ. Các nhà máy nhỏ không sao, nhà máy hơn nghìn người như bên em tiền lương, chế độ tính vài tỉ một tháng, nhân sự nhà máy chạy toát mồ hôi, sai một chút là sợ rồi. Sếp mắng, công nhân không ưng bụng kiện ầm ầm, làm sao? Công nhân viên thì mong chế độ cao và cao, sếp thì mong giảm, giảm và giảm. Nhân sự đứng giữa, trên đe dưới búa. Làm tương đối tốt thì còn đỡ, làm không ổn thì đảm bảo ăn đủ, bẹp dí như dán, dính tường bóc 7 ngày đừng mong ra.

Chạy theo rừng luật lá, tiếp đón các cơ quan ban ngành, rồi chạy theo khách hàng. Nhân sự nhà máy, nhất là khối dệt may, sợ khách hàng (buyer) hơn sợ cơ quan nhà nước. Tại sao? Khách hàng có đánh giá nhà máy tốt, pass thì nhà máy có đơn hàng, không thì yên tâm đi tìm khách hàng khác mà làm nhé. Cơ quan nhà nước cả năm kiểm tra một lần, thanh tra vài năm một lần. Còn khách hàng? 1 năm một lần, 6 tháng một lần, 3 tháng một lần. Mà không phải một khách hàng, thời buổi khó khăn, trung bình mỗi tháng 2 khách hàng tới kiểm tra là phình phường. Ai theo họ? Nhân sự nhà máy lại nhúng mũi vô.

Rồi khách hàng kiểm tra gì? Dạ, họ kiểm Social compliance (tuân thủ trách nhiệm xã hội), nôm na là kiểm tra xem nhà máy trả lương, chế độ cho người lao động có đúng không, an toàn lao động có đảm bảo theo tiêu chuẩn, an ninh nhà máy đảm bảo an toàn cho người lao động và hàng hóa như thế nào,... Tất cả đều căn cứ trên luật. Làm một checklist kiểm tra tầm 50 mục, đảm bảo được 75% là thấy mừng. Các cơ quan ban ngành nhiều khi chẳng bao giờ hỏi đến. Như vậy, bảo nhân sự nhà máy không biết thì cưỡi ngựa xem hoa quá.

Viết tới đây thấy lan man, mong anh đừng cười. Em từng tham dự một khóa đào tạo nhân sự, có cả các CEO các ngành tham dự, các anh chị ấy chia sẻ, làm nhân sự nhà máy đã mệt, làm nhân sự ngành may nhiều khi còn dở hơi hơn. Hì hì. Các sếp có khi thông cảm, có khi không. Cũng chỉ biết cố gắng hơn thôi.

Nhân sự cũng là một nghề, làm nhân sự phải hoàn thành công việc theo yêu cầu, đó là tất nhiên. Nên xảy ra sự cố bị ném đá bình tĩnh mà xử lý, sai đâu sửa đó, mới có phát triển phải không ạ? Có sẻ chia thì mới có cảm thông. Thông tin đi mà có thông tin phản hồi về là mừng rồi.

Em hay đọc blog của anh và của 1 số anh chị khác, thấy rất nhiều thông tin hữu ích. Em biết có nhiều anh chị làm nhân sự lâu năm, giỏi, có điều khả năng chia sẻ chưa được cao, không trải lòng về nhân sự nhiều, sợ sếp bảo "mày làm lộ thông tin của nhà máy, ai bảo mày chia sẻ", sợ đủ thứ, sợ mất nghề, sợ mất miếng cơm? Thế nên blog của anh nó rất thật, là những trải nghiệm và cả chờ mong, là điểm tra cứu của các em làm nhân sự. (^_^). Chúng em cám ơn anh và các anh chị khác nhiều, và mong anh chị duy trì blog dài dài để các bạn cũ cũng như bạn mới, biết một nơi để nhìn lại nghề mình đang và sẽ theo.

Trân trọng

***
Có lẽ đoạn cuối cũng chính là tâm sự của tôi. Tôi thực mong có nhiều hơn nữa các anh chị em chia sẻ các nỗi niềm, kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân. Để các bạn trẻ, những anh chị khác có thêm cơ hội được học hỏi và để nghề Nhân sự của chúng ta phát triển hơn nữa. Nếu anh chị ngại, anh chị có thể gửi bài và tôi sẽ đăng lên hoặc tham gia cùng với tôi: http://blognhansu.net/2013/11/05/moi-viet-bai-tren-blog-nhan-su/. Hi vọng chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác và có nhiều bài viết tâm huyết như này nữa.

4 thoughts on “Tâm sự của 1 Nhân sự (Hr) làm tại nhà máy

  1. Đúng là làm nhân sự có nhiều cái khó. Cty mình chỉ hai ba chục người mà cũng lắm chuyện rồi. Làm được nhân sự 2-3 năm cũng phải kiên trì lắm mới chịu được.

  2. Vũ Thanh Giang 25.03.2016 at 08:38 - Reply

    Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng, thích đáng, và áp dụng tốt, dựa trên tiêu chí dành cho cá nhân có đạt hay không dựa vao khả năng thực thi tốt và tính chất của đáp ứng, chưa kể trên nền tảng lại còn tiến thêm về công nghệ bởi thế cho nên thực sự thực thi chính sách cá nhân là đảm bảo những gì đã có và bản thân cũng có sau khi tốt nghiệp hãy nên không e dè trước ngưỡng cửa con đường

  3. Làm nhân sự thực sự áp lực rất lớn, nhất là mấy cty Trung Quốc – Đài Loan
    nhìn họ bóc lột công nhân viên mà thấy thảm thương, mong sao luật lao động được thực hiện 1 cách triệt để hơn để NLĐ được làm việc tốt hơn. chứ bọ Trung Quốc -Đloan nó không sợ luật hay ssao á

Trả lời Gia Huy Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *