Kinh nghiệm và cách sử dụng các thực tập sinh, cộng tác viên

Giờ này, tôi đang ngồi đây gặm nhấm nỗi thấm thía trong lòng khi sử dụng các bạn thực tập sinh, cộng tác viên. Thú thực là tôi có chút buồn khi ngồi nhìn những sản phẩm của các bạn. Không những tôi buồn mà tôi còn bực bản thân vì đã quá tin tưởng các bạn. Cả nhà ạ, không biết các anh chị khi sử dụng các bạn thực tập, cộng tác viên có dính những đau thương gì không ? Tôi thì nhiều quá, nhiều đến nỗi tôi phải viết lên đây để chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình và mong rằng không còn ai bị như tôi nữa.

Sử dụng các bạn thực tập và cộng tác viên, tôi tự nhận là mình có kinh nghiệm. Mỗi năm tôi có ít nhất 2 đợt cần nhờ sự hỗ trợ của các bạn. Xuất phát từ quan điểm muốn chia sẻ, và muốn các bạn có được trải nghiệm công việc tốt nhất, tôi thường hay đưa 1 gói công việc cho các bạn để các bạn thực hiện. Đó có thể là ý tốt của tôi nhưng chưa chắc đã là tốt cho các bạn thực tập và cộng tác viên.

Đầu tiên, không hiểu sao nhưng cứ khi nào tôi check lại kết quả công việc của các bạn là y như rằng tôi lại thấy thiếu hoặc không có. Nhưng cứ khi hỏi thì ai cũng bảo là đã hoàn thành. >> Kinh nghiệm 1: Đối với fresher thì đừng nên bao giờ tin tưởng. Check lại kết quả từng bước 1 luôn không thừa. Chỗ này mất công mất việc vì ta được lợi 1 là không phải làm việc A nhưng bất lợi ở chỗ ta lại phải để thời gian để check lại việc đó. Đôi khi đi nhặt thóc lại còn mệt hơn là tự tay sàng gạo.

Tôi nhớ lại lúc phỏng vấn bạn nào thì bạn nấy đều bảo rằng em đến với mục đích học hỏi và sẵn sàng làm việc để có kinh nghiệm. Nhưng đến khi giao việc thì bận lên bận xuống. Bạn thì đến trường gặp cô giáo, bạn thì đi học thêm, bạn thì làm luận văn ... Mình rất ít gặp bạn nào dám nhận công việc, dám mang về nhà làm và làm hết việc. Đa số đều không hoàn thành. Một số bạn thì không nhận về làm. Một số bạn nhận về làm rồi báo cáo đã xong nhưng khi kiểm tra lại thì ôi thôi rồi. >> Kinh nghiệm 2: Phải luôn xác định rằng các bạn thực tập họ không phải là người có trách nhiệm vì thế đừng kỳ vọng cao.

Chỉ vì các bạn đến thực tập, cộng tác viên với mục đích học hỏi nên tôi mới nhận vào. Vậy mà đến khi đưa ra những yêu cầu để các bạn nâng cao kiến thức thì các bạn lại hoàn thành nó một cách èo ọt. Thường những trường - tự cho mình xếp hạng cao - thì các bạn sinh viên lại càng lười cái này. Tôi giao xong đến lúc kiểm tra lại thì bạn nào bạn nấy bảo rằng mới tìm hiểu được có 1 tí. Hoặc chưa tìm hiểu.

Không những vậy, tôi sợ các bạn thực tập không có việc để làm, không có ai để dạy nên đã kỳ công tạo ra 1 loạt những chương trình đào tạo tực tập mà giờ các bạn sinh viên trên khắp cả nước tham gia. Kỳ lạ là những bạn thực tập chỗ tôi thì không. Tôi cũng đã giao việc học này như là 1 nhiệm vụ công việc. Cứ theo định kỳ tôi kiểm tra, theo dõi thì thấy các bạn rất ít người làm. Tại sao nhỉ? Bụt chùa nhà không thiêng ? >> Kinh nghiệm 3: Không phải bạn nào đến công ty cũng là có mục đích học hỏi. Đôi khi họ đến công ty chỉ để là thêm 1 vài dòng trong CV. (Bạn nào có ý định như thế này thì mong các bạn bỏ đi).

Bên cạnh đó, các bạn thực tập, cộng tác viên thì kỹ năng tệ thật. Tệ từ việc các bạn trình bày 1 văn bản không ra hồn cho đến những kỹ năng ứng xử như giao tiếp, điện thoại, gửi mail ... >> Kinh nghiệm 4: đừng giao những việc gì liên quan đến kỹ năng 1 chút khi mới nhận. Hãy để các bạn làm quen với công việc và các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp một cách từ từ. Giao những việc liên quan đến nội bộ và công việc vật lý trước, những không việc liên quan đến bên ngoài thì giao sau. Đây chính là điểm mà các bạn sinh viên hay kêu ca là đi thực tập mà không được làm gì cả. Cơ bản thì các bạn làm gì cũng sai thì ai dám giao.

Một số bạn khá hơn (do hoạt động đoàn thể, xã hội) thì lại có chút kiêu ngạo và đòi hỏi. Tôi phải được cái này được cái kia. Thực ra thì các bạn dù có hơn các bạn khác thì vẫn chỉ là sinh viên. Và là sinh viên thì vẫ mắc những điều ở trên. Và do có khá hơn các bạn nên có vẻ như các bạn có nhiều cơ hội hơn để tìm chỗ này chỗ nọ. Những bạn này thì không xác định ở đây lâu và như thế thì cũng không nên giao những công việc dài hạn >> Kinh nghiệm 5: Không nên giao những công việc gì dài hạn quá 3 tháng.

Rồi nữa, tự chung thì các bạn thực tập và các bạn cộng tác viên thường không có tính chủ động về công việc. Tôi đã hướng dẫn các bạn lập kế hoạch và bảo các bạn chủ động nghĩ ra việc cho mình. Thậm chí tôi còn giao cả mảng công việc cho các bạn nhưng đúng là không thể bắt các bạn chủ động được. Tôi vẫn hàng ngày phải ngồi nghĩ cho các bạn công việc. Mà tôi cũng có việc của mình. Vì thế đâu suốt ngày nghĩ việc được. >> Kinh nghiệm 6: Thường thì các bạn sẽ không có tính chủ động. Vì thế dù có giao mảng công việc thì các bạn sẽ không nghĩ ra việc. Tốt nhất nên giao những công việc gì đó dê dễ như trang trí lại căn phòng, phụ trách quản lý giấy tờ hồ sơ cho ngăn nắp, chạy đi lấy cái A, cái B ...

Tiếp, các bạn đi thực tập, cộng tác viên thường mong manh dễ vỡ. Chỉ cần nói nặng một chút thôi là sẽ có vấn đề. Tính tôi vốn kỹ tính nên thường hay dặn các bạn là phải cân nhắc trước khi gửi kết quả cho tôi. Đừng gửi bán thành phẩm. Tiếc là các bạn thường như vậy. Lần 1 tôi nói và hướng dẫn cách sửa. Nhưng đến lần 2 rồi lần 3 thì rõ ràng các bạn đang làm mất thời gian của tôi. Tôi hoàn toàn có 2 lựa chọn: 1, im lặng và cho các bạn nghỉ; 2, nói để các bạn biết rằng thực tế đi làm nó không phải như đi học. Tuy nhiên do các bạn mong manh nên các bạn dễ vỡ. Mới mắng 1 chút mà đã bắt đầu phản ứng. Không phải vô cớ tôi mắng. Các bạn đang có cơ hội được sai lầm mà không phải gánh trách nhiệm. Vậy mà các bạn còn không dám đối mặt với cả việc đó thì thật đáng trách. >> Kinh nghiệm 7: Đừng nhân từ với các bạn thực tập với ý nghĩ rằng cứ để các bạn ở đây rồi sẽ có lúc nào đó giúp được mình. Thực sự không phù hợp nên để các bạn nghỉ.

Vậy đó, với kinh nghiệm đau thương của mình, tôi nghiệm ra rằng thà mình tuyển 1 ai đó có kinh nghiệm còn hơn là tuyển các bạn mới ra trường hoặc đang đi thực tập.

7 thoughts on “Kinh nghiệm và cách sử dụng các thực tập sinh, cộng tác viên

  1. Thảo Nguyễn 24.11.2016 at 23:44 - Reply

    Chào anh Cường, rất tiếc rằng giờ em mới đọc được bài viết này của anh từ năm 2014. :(. DN bên em hiện cũng đang sử dụng nhân sự thực tập và vẫn đang gặp phải các tình trạng đau thương như anh liệt kê trong bài viết trên. Ngoài ra, còn có tình trạng thời gian đi làm thì không đều, đi muộn về sớm, thường xuyên xin đổi lịch, nghỉ…
    Vậy, anh cho em hỏi: từ đó đến giờ anh có sử dụng nhân sự thực tập và công tác viên nữa không ạ? Và nếu có, anh đã khắc phục và đào tạo như thế nào để cải thiện chất lượng và thái độ làm việc của nhóm nhân sự thực tập này ạ?
    Cảm ơn anh!

    • Mọi người toàn bảo là do khâu tuyển dụng của mình có vấn đề. Chắc do mình tuyển dễ dãi quá ý mà. Không có gì rằng buộc các bạn nên các bạn không hết sức.

  2. Pingback: Cách cải thiện chất lượng và thái độ làm việc của nhóm nhân sự thực tập ? | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời Thảo Nguyễn Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *