Bộ năng lực (ASK) của Giám đốc (CEO) Việt Nam

Làm các dự án tư vấn, các dự án nội bộ liên quan đến quản lý, cán bộ nguồn, cán bộ chủ chốt thì hẳn Nhân sự nào cũng sẽ gặp phải vấn đề: lấy bộ tiêu chí nào để đánh giá năng lực quản lý. Câu hỏi đưa ra và người ta đi tìm câu trả lời. Có người thì lấy chuẩn từ các công ty tư vấn nước ngoài, có người thì lấy chuẩn từ các công ty to của thế giới như IBM, Nokia, SamSung ... (Viết đến đây mới nhớ, hôm vừa rồi cậu bạn ở GM Việt Nam có cho xem bộ đánh giá năng lực của họ. Hôm nào tôi phải mượn xem kỹ và viết bài review mới được). Nhìn chung là toàn thế giới. Có người sáng tạo và chịu khó nghiên cứu hơn thì tìm mẫu số chung trên google. Rồi ai cũng hỏi, liệu Việt Nam có tiêu chuẩn không? Và nó nằm ở đâu. Tôi thì nghĩ là có, chỉ tiếc là chúng ta chưa tìm ra hoặc là các tài liệu đó chưa được phổ biến.

Tình cờ, mấy hôm trước tôi được 1 cô bạn trao đổi về nguồn gốc của mô hình ASK ( http://blognhansu.net/2014/06/12/nguon-goc-cua-mo-hinh-ask-kas/ ). Cô ý nói rằng cũng tìm được tài liệu nói về nguồn gốc của ASK nhưng khác với của tôi và sau đó, gửi cho tôi bản PDF tài liệu đó.

Đọc tài liệu tôi thấy nhiều cái thú vị và có nhiều câu hỏi được trả lời. Đây là một bài nghiên cứu của anh Lê Quân về năng lực CEO Việt Nam mang tên "Đánh giá năng lực giám đốc điều hành doanh nghiệp nhỏ Việt Nam qua mô hình ASK". Anh Quân chắc hẳn mọi người biết. Mạn phép anh Quân và nhóm tác giả, tôi xin phép được show ra ở đây những điều thú vị mà tôi thấy.

Để xem bài nghiên cứu, anh chị và các bạn vui lòng click vào link: http://goo.gl/LBNlgL

Thú vị 1. Nguồn gốc của mô hình ASK là đâu ?

ASK là mô hình được sử dụng rất phổ biến trong quản trị nhân sự nhằm đào tạo và phát triển năng lực cá nhân. Mô hình này đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các chức danh công việc trong tổ chức dựa trên ba nhóm tiêu chuẩn chính: Phẩm chất hay thái độ (Attitude), Kỹ năng (Skills) và Kiến thức (Knowledges).

Benjamin Bloom (1956) được coi là người đưa ra những phát triển bước đầu về ASK, với ba nhóm năng lực chính bao gồm:
- Phẩm chất/Thái độ (Attitude): thuộc về phạm vi cảm xúc, tình cảm (Affective)
- Kỹ năng (Skills): kỹ năng thao tác (Manual or physical)
- Kiến thức (Knowledge): thuộc về năng lực tư duy (Cognitive)

Kiến thức được hiểu là những năng lực về thu thập tin dữ liệu, năng lực hiểu các vấn đề (comprehension), năng lực ứng dụng (application), năng lực phân tích (analysis), năng lực tổng hợp (synthethis), năng lực đánh giá (evaluation). Đây là những năng lực cơ bản mà một cá nhân cần hội tụ khi tiếp nhận một
công việc. Công việc càng phức tạp thì cấp độ yêu cầu về các năng lực này càng cao. Các năng lực này sẽ được cụ thể hóa theo đặc thù của từng doanh nghiệp.

Phẩm chất thường bao gồm các nhân tố thuộc về thế giới quan tiếp nhận và phản ứng lại các thực tế (receiving, responding to phenomena), xác định giá trị (valuing), giá trị ưu tiên. Các phẩm chất và hành vi thể hiện thái độ của cá nhân với công việc, động cơ, cũng như những tố chất cần có để đảm nhận tốt công việc (Harrow, 1972). Các phẩm chất cũng được xác định phù hợp với vị trí công việc.

Về kỹ năng, đây chính là năng lực thực hiện các công việc, biến kiến thức thành hành động. Thông thường kỹ năng được chia thành các cấp độ chính như: bắt chước (quan sát và hành vi khuôn mẫu), ứng dụng (thực hiện một số hành động bằng cách làm theo hướng dẫn), vận dụng (chính xác hơn với mỗi hoàn cảnh), vận dụng sáng tạo (trở thành phản xạ tự nhiên) (Dave, 1975).

Tài liệu tham khảo:
[1] Bloom B. S. (1956), Taxonomy of Educational Objectives, Handbook I: The Cognitive Domain,
New York: David McKay Co Inc.
[2] Dave, R. H. (1975), “Developing and Writing Behavioral Objectives” (R. J. Armstrong, ed.),
Tucson, Arizona: Educational Innovators Press.
[4] Harrow, A. (1972), A Taxonomy of Psychomotor Domain: A Guide for Developing Behavioral
Objectives, New York: David McKay.

Thế là đã rõ cho những ai muốn nghiên cứu về nguồn gốc của ASK rồi.

Thú vị 2: Cách viết định nghĩa các năng lực như thế nào ?

Thông thường khi viết định nghĩa cho một năng lực nào đó, các thành viên của dự án xây dựng năng lực sẽ làm như sau:
- Cách 1, tốt nhất là bê nguyên 1 khuôn mẫu ở đâu đó về. Đây là lý do vi sao người ta hay cần tìm bộ từ điển năng lực mẫu. Và cũng là lý do người ta search google nhiều.
- Cách 1 mà vẫn không có thì làm theo cách 2: tự nghĩ ra 1 cái định nghĩa nào đó. Định nghĩa có thể là kết quả cần đạt được hoặc 1 định nghĩa chung chung. Ví dụ như : kỹ năng giao tiếp là kỹ năng tương tác, quan hệ, tiếp xúc giữa người với người. Ở đây người ta có thể tra thêm từ điển tiếng Việt để đưa định nghĩa cho chính xác.

Sau khi đọc bài nghiên cứu của anh Quân ta thêm 1 cách viết nữa (đọc kỹ lại định nghĩa ở trên). Phần kiến thức thay vì viết định nghĩa : tốt nghiệp đại học / tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành ABC thì chúng ta có thể viết:
- Năng lực về thu thập tin dữ liệu về kế toán/tài chính
- Năng lực hiểu các vấn đề (comprehension) về kế toán/tài chính
- Năng lực ứng dụng (application) về kế toán/tài chính
- Năng lực phân tích (analysis) về kế toán/tài chính
- Năng lực tổng hợp (synthethis) về kế toán/tài chính
- Năng lực đánh giá (evaluation) về kế toán/tài chính
Tóm gọn Kiến thức kế toán / tài chính là: năng lực thu thập tin dữ liệu, hiểu các vấn đề, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá về các vấn đề kế toán/ tài chính. Không hiểu ở đây có ai hiểu tôi đang viết gì không nữa. Ý tôi đó là trong bảng năng lực mọi người hay viết : Kiến thức A, Bằng cấp B .... các kiểu như thế. Đây là các kiểu viết tắt, viết gọn, tổ hợp của 6 năng trên.

Và những ai viết gọn như thế thì có thể giống tôi, chưa hiểu đến gốc vấn đề.

Còn phần kỹ năng thì có thể thấy rõ định nghĩa của từng cấp. Và nên có 4 cấp.

Thú vị 3: CEO Việt Nam thì phải có những năng lực gì ?

Đây chính là câu trả lời:
A: Phẩm chất tiêu biểu
Bao quát
Kiên nhẫn
Mạo hiểm/quyết đoán
Sáng tạo
Thích nghi

S: Kỹ năng tiêu biểu
Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng tư duy
Kỹ năng xây dựng đội nhóm
Kỹ năng tạo dựng quan hệ
Kỹ năng lập kế hoạch

K: Kiến thức tiêu biểu
Chiến lược kinh doanh
Kế toán/tài chính
Quản trị nhân sự
Marketing/tiếp thị
Ngành nghề kinh doanh

Vậy đó, ai muốn làm CEO Việt Nam thì nên rèn cho mình những phẩm chất, kỹ năng và kiến thức trên. Nhìn vào bảng trên thì có thể thấy khác đôi chút với các công ty tư vấn nước ngoài. Dù sao đây cũng là nghiên cứu của Việt Nam và thế nên nó vẫn có cái gì đó thân quen hơn nhiều so với các ý tưởng từ quốc tế. Ai muốn đào tạo CEO thì có thể lấy đây làm chương trình khung để lên lộ trình đào tạo.

Thú vị 4: Vậy các năng lực chung dành cho quản lý cấp trung là gì ?

Theo tôi thì có thể lấy luôn 10 kỹ năng trong bài nghiên cứu làm chuẩn chung:
Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng tư duy
Kỹ năng xây dựng đội nhóm
Kỹ năng tạo dựng quan hệ
Kỹ năng lập kế hoạch
Kỹ năng xử lý thông tin và ra quyết định
Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng giao tiếp thuyết trình
Kỹ năng quản trị văn phòng
Kỹ năng hội họp

Thật thú vị. Cuối cùng nếu như ai cùng mạch suy nghĩ với tôi thì sẽ đặt câu hỏi: "Vậy định nghĩa các năng lực ở trên là như thế nào ?" . Theo cả nhà, các năng lực trên sẽ được định nghĩa như nào ? :)

3 thoughts on “Bộ năng lực (ASK) của Giám đốc (CEO) Việt Nam

  1. Pingback: Cách nào để đánh giá phân loại nhân viên trong nhân sự? [Review sự kiện Nhân sự của SME Hospital 2] | Blog quản trị Nhân sự

  2. Hi anh Cường,
    Cảm ơn bài viết của anh
    Anh có thể cho mình tham khảo hiện nay có rất nhiều trường dạy về CEO nhưng đa phần chỉ như truyền lửa hoặc kinh nghiệm….
    Vậy anh có thể cho mình biết hiện nay có trung tâm đào tạo/trường nào đào tạo CEO theo những hướng trên: xây dựng, phát triển 3 mục tiêu A.S.K không?
    Xin cảm ơn anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *