Cách dùng từ trong xây dựng mô tả công việc phần 1 – lãnh đạo, quản lý, chỉ huy

Đợt này dự án xây dựng mô tả công việc đi vào giai đoạn cuối, các thành viên trong team họp hành liên tục. Thứ 7, chủ nhật vẫn ngồi với nhau. Cứ thế mọi người ngồi đồng từ sáng cho đến tối mịt. Tôi hay may mắn nên được ngồi hết với tất cả mọi người. Tuy ngồi nhiều hơi mỏi lưng một chút nhưng đổi lại, tôi nhặt được vài thứ nhỏ nhỏ.

Viết mô tả công việc nói chung thì có nhiều cái phải để ý. Cũng nhiều điều để nói từ quan điểm của mỗi người là khác nhau nên cách viết sẽ khác nhau cho đến việc viết chi tiết hay viết tổng quát ... Ở chỗ "mỗi người có quan điểm khác nhau" thì theo tôi là do trình độ, lĩnh vực khác nhau nên thế.

Nhân lúc giải lao, tôi liền viết nhanh 1 vài điều lưu ý. Lưu ý đầu tiên và dài kỳ đó chính là cách dùng từ trong mô tả công việc. Như ở trên, do mỗi người, mỗi vị trí khác nhau nên từ ngữ cũng khác nhau. Vậy khác nhau như thế nào ?

Người viết mô tả công việc chắc cũng phải là người rất giỏi về mặt ngôn ngữ. Đôi khi chỉ một từ mà cả team phải ngồi lại với nhau để định nghĩa, thống nhất xem có nên dùng từ đó hay không. Bạn có biết sự khác nhau giữa các từ sau không nhé ?

Đầu tiên là những từ sau: LÃNH ĐẠO - QUẢN LÝ - CHỈ HUY

- Lãnh đạo: Nghĩa rộng là: Sự dẫn đường chỉ lối, dẫn dắt, điều khiển (đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện) mọi hoạt động của cá nhân và tổ chức nào đó nhằm đạt đến mục tiêu nhất định. Nghĩa hẹp: là sự tác động điều khiển trực tiếp những hoạt động của con người và xã hội nhằm đạt đến mục đích cụ thể đã vạch ra.
- Quản lý: Là sự tác động của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý một cách có tổ chức, có hướng đích nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.
- Chỉ huy: là sự điều khiển hoạt động của một lực lượng, một tập thể có tổ chức nhằm thực hiện một mục đích nhất định, gắn liền với hoạt động cụ thể có tính cấp bách, khẩn trương và đòi hỏi phải có sự phục tùng tuyệt đối ngay lập tức của cấp dưới;

Sự khác nhau:
Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được về một định nghĩa rõ ràng, rành mạch cho ba khái niệm này, chúng không đồng nhất và được giải thích tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực nghiên cứư, xong đều bao hàm ý tác động và điều khiển nhưng khác nhau về mức độ và phương thức tiến hành, đều có chung khẳng định: quản lý, lãnh đạo và chỉ huy là ba công việc khác nhau, thậm chí khác nhau rất cơ bản. Theo Từ điển tiếng Việt, "lãnh đạo" là đề ra chủ trương và tổ chức động viên thực hiện, còn "quản lý" là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu đã đề ra, còn “ chỉ huy” là điều khiển hoạt động của một tập thể. Như vậy có thể hiểu, lãnh đạo quyết định đường lối, sách lược, gắn với những vấn đề tổng quát, còn quản lý là tổ chức thực hiện, xử lý những vấn đề rất thực tế, chỉ huy là hoạt động tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong thời gian cấp bách, khẩn trương. Lãnh đạo nặng về lĩnh vực chính trị, chủ trương, đường lối, bao quát; còn quản lý nặng về lĩnh vực hành chính, điều hành, chấp hành, chỉ huy là hoạt động điều hành nhưng mang tính cụ thể cấp bách, đòi hỏi phục tùng tuyệt đối.

So sánh nội hàm và ngoại diên của các khái niệm trên có thể thấy:
- Khác về phương thức tác động và hiệu lực:
+ Lãnh đạo: sử dụng chủ yếu là phương pháp động viên, thuyết phục, gây ảnh hưởng, để ra nguyên tắc, mô hình
+ Quản lý dựa vào pháp luật và các thể chế, quy chế, nguyên tắc, mô hình đã định trước.
+ Chỉ huy sử dụng thường dựa vào phương pháp quyền uy, mệnh lệnh, điều lệ, kỷ luật.
+ Về hiệu lực, lãnh đạo tập hợp các cá nhân đối tượng bị lãnh đạo thành tổ chức chặt chẽ và làm cho ảnh hưởng của lãnh đạo lan tỏa ra trong toàn tổ chức; còn quản lý và chỉ huy thường thông qua hoạt động của điều hành, tác động trực tiếp đến các các nhân, nhóm của tổ chức, hiệu lực là trực tiếp.

- Khác về nội dung chức năng:
+ Lãnh đạo gồm có: xác định phương hướng, mục tiêu lâu dài, lựa chọn chủ trương chiến lược, điều hòa phối hợp các mối quan hệ và động viên thuyết phục con người.
+ Quản lý bao gồm các việc: xây dựng kế hoạch, sắp xếp tổ chức, chỉ đạo điều hành và kiểm soát tiến trình hoạt động.
+Chỉ huy bao gồm sử dụng nhiệm vụ quyền hạn đặc biệt được giao một cách độc lập, chủ động, yêu cầu cấp dưới phải chấp hành phục tùng tuyệt đối.

- Khác về phạm vi tác động và hình thức thể hiện:
+ Quản lý: là một phạm trù rộng, để tiến hành quản lý, chủ thể quản lý phải thực hiện đồng bộ rất nhiều chức năng, trong đó có chức năng lãnh đạo. để chủ thể thực hiện tổ chức liên kết và tác động lên đối tượng bị quản lý để thực hiện các định hướng tác động dài hạn đã được định trước. Quản lý là lãnh đạo trong trường hợp mục tiêu cụ thể hơn và chuẩn xác hơn, quản lý tập hợp các nguồn lực, điều khiển tổ chức để thực hiện mục tiêu, định hướng thành hiện thực( mục tiêu đã được định trước của hoạt động lãnh đạo ). Ngoài quản lý con người, đối tượng của quản lý còn bao gồm tài chính, vật chất. Quản lý không chỉ xử lý quan hệ giữa người với người mà còn phải xử lý mối quan hệ tài chính và vật chất, giữa vật chất và con người, giữa con người và tài chính, các nguồn lực khác. Phạm vi mà quản lý đề cập đến rộng hơn nhiều so với lãnh đạo và chỉ huy.

+ Lãnh đạo: hoạt động điều khiển của chủ thể lãnh đạo đối với đối tượng bị lãnh đạo ở tầm vĩ mô( hoạt động lãnh đạo là hoạt động có tầm vĩ mô) . Lãnh đạo là việc đưa ra các phương châm, nguyên tắc, chính sách hoạt động, xây dựng những quyết sách lớn ở tầm vĩ mô được thực hiện trong một không gian rộng lớn bao quát và một khoảng thời gian tương đối dài. Thực hiện những công việc chung, lớn, theo đuổi hiệu quả của toàn bộ tổ chức, lực lượng. Lãnh đạo là quản lý nhưng mục tiêu xa hơn rộng hơn, khái quát cụ thể hơn, đồng thời lãnh đạo cũng là chỉ huy khi yêu cầu điều khiển là cấp bách, khẩn trương và mang tính thời điểm cụ thể. Lãnh đạo là một chức năng của quản lý, thường được gọi là chức năng lãnh đạo, còn chức năng khác của quản lý lại không phải là lãnh đạo. Ví dụ: công việc mà những người tham mưu trong tổ chức làm là công tác quản lý, nhưng không phải là công tác lãnh đạo. Quản lý ở đây chỉ hành vi quản lý, công tác lãnh đạo vừa bao gồm hành vi quản lý, vừa bao gồm hoạt động nghiệp vụ khác. Thông thường, lãnh đạo và chỉ huy chủ yếu là lãnh đạo con người, xử lý quan hệ giữa người với người, đặc biệt là quan hệ cấp trên và cấp dưới. Đây là vấn đề cốt lõi trong hoạt động quản lý.

+ Chỉ huy: Là tổ chức thực hiện làm sao để chủ trương, đường lối, kế hoạch do lãnh đạo đặt ra được áp dụng trong khi thực thi một nhiệm vụ nhất định. Đi sâu vào việc chấp hành, tổ chức thực hiện một công việc cụ thể (ở tầm vi mô). Gắn liền với hoạt động cụ thể, nhiệm vụ cấp bách khẩn trương và cần tập trung sức lực trí tuệ để thực hiện trong một thời gian nhất định (ở khoảng thời gian tương đối ngắn ). Thực hiện những công việc cụ thể, rõ ràng, tính kỷ luật chặt chẽ, thường mang đặc trưng công tác vũ trang, và trong điều kiện khó khăn yêu cầu phức tạp, thời gian gấp gáp ( ví dụ như chỉ huy bộ đội, chỉ huy công an, chỉ huy công trình đang thi công, chỉ huy phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn....). Trong thực tế chỉ huy thường gắn với vai trò lãnh đạo trực tiếp.

Đoạn phân biệt sự giống và khác nhau này được tôi sưu tầm từ bài viết của Vi Văn Lâm: Học viên: CH17-TT-HVCSND

Vậy là chúng ta đã có: chỉ huy < quản lý < lãnh đạo. Không phải lúc nào cũng chỉ huy, hay lúc nào cũng lãnh đạo, hoặc quản lý.

Viết nhanh từ Dự án tư vấn xây dựng mô tả công việc tại Habeco - Vietez. Còn tiếp. Chúng ta sẽ gặp nhau ở một bài viết khác với những từ còn khó phân biệt hơn nữa.

One thought on “Cách dùng từ trong xây dựng mô tả công việc phần 1 – lãnh đạo, quản lý, chỉ huy

  1. Pingback: Kinh nghiệm xây dựng MTCV (mô tả công việc) ngắn gọn | Blog quản trị Nhân sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *