Ngày xuân Nhân sự bàn chuyện sửa đổi hiến pháp 1992

Mấy hôm nay, tôi bắt đầu nghỉ Tết. Nghỉ Tết nên có nhiều thời gian để đọc hơn. Mới hôm trước, vào đọc vietnamnet, tôi thấy chính phủ đang kêu gọi góp ý cho sửa đổi hiến pháp:

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/104383/thu-gop-y-hien-phap-khong-can-dan-tem.html
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi tổ chức cá nhân có thể gửi thư không dán tem, trên phong bì ghi rõ: Thư góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Địa chỉ nơi nhận: Thường trực Ban Biên tập - Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đọc tìm hiểu kỹ thì thấy khá nhiều cái thú vị. Làm ở phòng Nhân sự, nơi chuyên đẻ ra các quyết định, chính sách thì việc nắm luật lại là một cái hay, biết cách tạo ra luật thì cũng không phải là một cái tồi. Thôi thì nhân sự việc này, tiện thể tìm hiểu hiến pháp luôn.

Qua tìm hiểu, tôi thấy có nhiều cách hiểu về hiến pháp. Một số người hiểu hiến pháp là bộ luật gốc đẻ ra các bộ luật. Một số người lại hiểu hiến pháp là bộ luật để luật hóa những thứ không thể điều chỉnh bởi luật ví dụ như Quốc hội, chính phủ. Có lẽ còn nhiều cách hiểu nữa. Tôi không phải nhà làm luật và cũng không phải chính trị gia nên thôi thì tôi tạm dừng lại ở 2 cách hiểu này vậy. Bạn có thể tự tìm hiểu thêm.

Từ 2 cách hiểu này, tôi liền liên tưởng đến các công việc Quản trị nhân sự và ra quyết sách. Nên chăng công ty cũng có một văn bản nào đó như kiểu hiến pháp ? Tôi nghĩ đây cũng là một ý hay. Nhưng làm thế nào để xây dựng hiến pháp ? Tôi cũng không biết và tôi đoán:

Bước 1: Hiến pháp sẽ bắt đầu từ một tư tưởng chủ đạo nào đó. Có thể nó là tư tưởng triết học, nhân sinh quan ... Tương ứng với công ty có thể là sứ mệnh hoặc slogan. Ví dụ:

Đọc hiến pháp 1946 thì thấy rất rõ tư tưởng:
Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Hiến pháp 1956 cũng rất rõ tư tưởng:
- Củng cố độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
- Bảo vệ tự do cho mỗi người dân và cho dân tộc;
- Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị

Bước 2: Từ những tư tưởng chủ đạo đó, chúng ta sẽ tiếp tục lựa chọn quan điểm viết hiến pháp. Chọn Hiến pháp là luật gốc hay hiến pháp là luật quy định những thứ không thể quy định ?

Bước 3: Sau khi có tư tưởng và quan điểm viết hiến pháp. Giờ mới đến lúc chắp bút. Chắp bút như thế nào và nội dung ra sao thì mời bạn và cả nhà cùng đọc bản hiến pháp 1992 đã sửa đổi: http://laws.dongnai.gov.vn/2001_to_2010/2002/200201/200201070011 Ở chỗ này tôi hơi thắc mắc 1 chút. Hiến pháp mà có thể sửa đổi được cơ à ? (đọc kỹ hiến pháp thì thấy có cho phép quốc hội sửa nhưng như thế thì quả là phiền phức. Tôi nghĩ chúng ta nên viết ra cái gì đó ít phải sửa đổi sẽ tốt hơn)

Công ty có một cái gì đó tương tự như hiến pháp cũng là 1 ý tốt. Tôi thích quan điểm viết hiến pháp như là 1 luật gốc hơn. Đọc trên mạng tôi thấy nhiều bác già dùng rất nhiều mỹ từ để kêu gọi mọi người đóng góp. Nào là nhân sĩ, nào là sỹ phu .... Tôi chả biết tôi có phải là nhân sĩ không ? Nhưng tôi thấy nhà nước kêu gọi. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không bỏ chút thời gian ra để đọc Hiến Pháp và góp ý nhỉ ?

Nói là chút thời gian nhưng đến giờ đã là hôm thứ 2 và tôi đã đọc một lượt hết các hiến pháp của Việt Nam ta. Đến lần này đang là đọc hiến pháp 1992 sửa đổi. Đúng là dù có sửa đổi thì tôi thấy cũng cần có vài chỗ cần sửa thật. Chả biết các "bộ óc lớn nhất Việt Nam" (theo cách gọi của 1 anh) đã nghĩ ra không nữa ?

Việc đầu tiên tôi nghĩ, chúng ta nên cùng thống nhất về tư tưởng, nguyên tắc định hướng cho hiến pháp. Tư tưởng này sẽ được áp dụng trong vòng 20 năm tức là lúc đó tôi 50 tuổi. Tôi thích trong vòng 20 đó Việt Nam sẽ :
- Cân bằng dân tộc
- Cân bằng độc lập, tự chủ
- Cân bằng kinh tế

Từ 3 nguyên tắc đó chúng ta có thể viết mới hoặc sửa lại bản 1992. Tôi thấy sửa lại tốt hơn. Và dưới đây là 1 số góp ý của tôi:

Một điểm mà hiến pháp chưa đề cập đến : không gian ảo và quyền của nhân dân trên không gian ảo Nếu suy rộng hơn có thể là quyền của nhân dân trên không gian vũ trụ và liên vũ trụ (ý này hơi viển vông )

Điều 1: Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. >> Có nên thêm ... bao gồm DÂN TỘC, đất liền, các hải đảo, vùng biển, vùng trời, VÙNG KHÔNG GIAN ẢO, VÙNG VŨ TRỤ.

Điều 27 >> Điều này cần mở rộng hơn nữa.

Mọi hoạt động kinh tế, xã hội và quản lý Nhà nước phải thực hành chính sách tiết kiệm. >> Có lẽ nên thêm: Việc thực hành chính sách tiết kiệm sẽ do nhân dân kiểm tra, đánh giá và do luật định.

Điều 40: Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình. >> Có lẽ nên thêm .... chăm sóc NGƯỜI GIÀ, bà mẹ ...

Điều 73: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật. >> Chỗ này cần thêm ... điện tín, THÔNG TIN CÁ NHÂN TRÊN VÙNG KHONG GIAN ẢO của công dân ...

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.

Còn gì nữa không nhỉ ? Tôi tin là vẫn còn, ví dụ như tham nhũng - nhân dân được bảo vệ tránh khỏi tệ nạn tham nhũng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *