Văn hóa và chiếc máy chấm công – từ ngày công nghệ về làng…

Sáng sớm vào facebook thấy chị Hương VDC share link một câu chuyện về máy chấm công. Đọc xong thấy chuyện rất đời mà chỉ những người làm nhân sự, hành chính và sếp mới hiểu được. Rõ ràng đây là một câu chuyện không phải của riêng ai mà là của nhiều công ty. Bạn đã bao giờ phải đau đầu khi đi trừ lương ACE trong công ty? Đau đầu đi bắt mọi người giải trình ?

Công ty tôi cũng chuẩn bị mua một chiếc máy chấm công. Tôi thấy máy chấm công chỉ giải quyết được phần nổi của một tảng băng. Còn phần chìm thì nó không giải quyết được. Phần chìm đó là văn hóa. Văn hóa đi muộn. Giải quyết vấn đề này mới khó. Mà cái văn hóa đi muộn này sẽ dẫn tới văn hóa bao biện.

Mua máy chấm công về là cả một hệ thống đi theo nó. Nào là chính sách chấm công, nào là thưởng là phạt.

Câu truyện ở dưới có phần hơi quá nhưng có thể thấy công ty này đang gặp vấn đề. Chính sách chấm công quá chặt. Nhân viên đối phó. Tôi tin công ty này sẽ lập ra đội chuyên đi soi xem các nhân viên có đi uống nước ở ngoài không. Hoặc có thể công ty sẽ đề ra chính sách thưởng cho người đến sớm nhất công ty trong tháng. Dù là gì thì người đến sớm vẫn cứ đến sớm. Người đến muộn vẫn cứ đến muộn. Áp dụng thuyết cây gậy và củ cà rốt để thay đổi mọi người thật khó. Làm thế nào đây? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ cho HR và cho chính người Việt.

Tự dưng tôi nhớ đến bài viết nào đó trên blog của tôi nói rằng: một nhóm làm việc luôn có 10% là làm việc kém nhất. Và công ty nên tìm cách đào thải 10% này. Có lẽ áp dụng chính sách này lại hiệu quả để cải thiện tình hình. Hoặc có một cách khách đó là: tăng lương, tăng việc và giảm người. Cách này xem ra có vẻ khả thi.

Chúc các sếp và HR giải quyết được tình trạng này. Giờ mời ACE cùng đọc :

Những ngày công nghệ chưa về đây...

"Chị Lam hôm nay đi muộn 15 phút đấy nhé. Chị cẩn thận không bị trừ lương đấy!" - "Ôi em ơi tha cho chị lần này đi mà, chị còn phải đưa con đi học nữa mà..."

Nàng ấm ức: "Mình bực lắm, các chị ấy cứ đi muộn suốt. Muộn 5 phút 10 phút còn đỡ, chứ đến nửa tiếng, xong lại xuống đường uống cà phê. Xong lại gặp mình xin xỏ. Mình tức chết đi được. Báo cáo trừ lương trừ thưởng thì sẽ bị gọi là chim lợn. Chẳng lẽ nhân lúc sếp đi qua văn phòng đông người lại hét lên là công ty có nhiều người đi muộn. Nhưng thà như thế còn hơn phải nói đích danh từng người. Mình chết mất..."

Nghĩ là làm, nhân lúc thấy mặt sếp tươi tỉnh phấn khởi đi vào văn phòng, tưởng là tránh được phiền hà cá nhân và "kích" được đồng nghiệp, cô nàng vừa "đánh tiếng" với sếp và đồng nghiệp liền... dính "phốt": "Đâu, đâu, cô nói tôi nghe xem nào, ai đi muộn, đi muộn bao lâu, lập danh sách đây đầu giờ chiều đưa tôi!"

Cả phòng quắc mắt nhìn nàng, vậy là hiện nguyên hình "con chim lợn" rồi nhé. Nàng cúi gằm mặt, im lặng nhìn vào máy tính. Đến trưa, nàng cũng phải lập danh sách đi muộn cho sếp, nhưng mà từ 5 phút giảm thành 2 phút, từ 10 phút giảm thành 5 phút, và 30 phút cũng thành... 10 phút.

"Sếp ơi tha cho các chị ấy đi mà, sếp mà trừ thưởng cuối năm thì em chết với các chị ấy" - nàng năn nỉ. Nhìn khuôn mặt mếu máo của nàng, sếp chừng như hiểu, bảo nàng về phòng thông báo với đồng nghiệp là... "yên tâm đi."

"Chết thằng Tây rồi nhé!"

Thế là cả làng có cái máy chấm công bằng vân tay, còn nàng vẫn mang tiếng là "chim lợn" nơi công sở.

Máy chấm công quả thật công lực vô song, đi chậm nửa phút nó cũng biết. Thế là... "chết thằng Tây rồi nhé!" - nàng như mở cờ trong bụng. Các chị cũng "cun cút" làm theo lệnh công ty, có số má rõ ràng rồi làm sao mà xin xỏ được. Được cái là từ ngày có cái máy chấm công, hành lang công ty không còn ồn ã tiếng van xin "tha cho chị đi em, chị bị này, chị bị nọ" nữa rồi, mọi người có vẻ cũng ít nhăn nhó lúc đầu tháng, nhưng lại ngã ngửa lúc cuối tháng nhận lương: "Sao máy nó trừ kì quặc thế!"

Nga, nhân viên mới, thắc mắc: "Em không hiểu nó chấm như thế nào. Em chậm 1 phút thì nó có trừ cả giờ hay không. Nếu trừ một giờ thì có mà ăn đủ. Trong bảng lương cuối tháng thì cộng cả phụ cấp cả ý thức nên chẳng biết nó trừ bao nhiêu của em. Mà hỏi các chị nhân sự thì quê lắm. Chẳng lẽ đến cái máy chấm công cũng không biết thì còn gì là hiện đại nữa."

Từ những ngày đầu tiên ấy, muôn chuyện dở khóc dở cười xảy ra...

Cả công ty có 3 tầng, thì lại ở cách nhau, cái tầng 5, cái tầng 13, cái tầng 16, mà lại chỉ có mỗi một máy chấm công. Thế là mỗi buổi sáng, các bác bảo vệ được dịp nhìn thấy những cuộc "viễn chinh" rầm rầm tranh nhau đè ngón tay lên cái nút của anh, chị, em công sở. Bấm xong cái "Teng!" và được nghe câu "Xin cảm ơn!" mát ruột, dân tình mới phấn khởi đi về chỗ của mình thật nhẹ nhàng, thật khoan thai. Vì đã có luật, chậm nửa giây cũng được tính là một phút, chậm hơn một tiếng thì trừ nửa ngày công, rồi trừ vào phụ cấp ý thức, nên là...

Chị Hiền một sáng nọ mếu máo có mặt ở văn phòng mà người bốc mùi thịt kho nồng nặc. Số là thằng cu nhà chị nghịch ngợm lúc mẹ đang cho ăn, đổ ập luôn bát thịt kho vào người mẹ. Mà mẹ phải đưa con đi học rồi cho kịp giờ chấm công, nên bê nguyên bộ đồ thịt kho lên văn phòng, đặt tay cái "Teng!"vào máy chấm rồi mới thở phào nhẹ nhõm.

Anh Liêm là nhà báo. Nhà báo dù hoạt động tự do giờ giấc cũng phải chấm công. 2h sáng mới viết xong bài để kịp gửi 6h đăng tin, 7h sáng mắt nhắm mắt mở ra khỏi giường "phi" lên công ty chấm công cái xoẹt rồi xin nghỉ do đau đầu, anh "bay" về nhà ngủ tiếp, đến 5 rưỡi chiều lại lên công ty chấm "quả cuối".

Với những "siêu nhân" chấm công đúng hẹn, người ta lại thấy họ vật vờ ở quán nước cho qua cơn buồn ngủ. Chẳng thế mà dọc các phố công sở như Láng Hạ, Bà Triệu, Trung Hòa... ở Hà Nội; Lê Lợi, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu... ở Sài Gòn có đến gần mấy chục quán trà đá chuyên phục vụ nhân viên từ các công ty gần đó ra buôn chuyện... chống buồn ngủ. Đủ thứ chuyện từ ăn khoai lang bàn chuyện thế giới, đến chuyện gần nhà xa ngõ... đều được đem ra bàn luận, và tất nhiên, cả những câu chuyện về cái máy chấm công!

http://afamily.vn/doi-song/2011111108164469/May-cham-cong-tu-ngay-cong-nghe-ve-lang/

Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24's Search

3 thoughts on “Văn hóa và chiếc máy chấm công – từ ngày công nghệ về làng…

  1. Nguyễn Thạc An Trung 21.03.2012 at 14:42 - Reply

    Công ty Việt Nam nào cũng thế cả thôi, quan trọng là người viết hay cho anh em đọc, nhưng nếu làm doanh nghiệp nước ngoài thì khác hẳn đấy, lúc đấy lại bảo không có tình người !!!.
    Chung qui lại cần phải thay đổi ý thức và văn hóa làm việc.

  2. Công ty em đã lắp máy chấm công, có chế độ phạt với những người đi muộn nhưng người đi sớm thì vẫn đi sớm, người muộn thì vẫn muộn.
    Không biết xử lý sao với các trường hợp này???

Trả lời Ha minh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *